Thương hiệu Mỹ mua xe điện của Xiaomi về nghiên cứu, học hỏi
(Dân trí) - Mẫu xe Xiaomi được mệnh danh là "Apple Car" của Trung Quốc có vẻ như đã trở thành hình mẫu để thương hiệu ô tô điện Mỹ học theo.
Kể từ khi chính thức ra mắt vào ngày 28/3, mẫu Xiaomi SU7 gây náo nhiệt cả trên các nền tảng mạng xã hội lẫn ngoài đời thực. Thậm chí đã có những người đầu cơ đặt cọc rồi bán lại suất mua xe SU7 với mức chênh giá lên tới 100.000 nhân dân tệ (hơn 340 triệu đồng).
Tại Hội nghị Laguna thường niên lần thứ 12 của Morgan Stanley trong tuần này, Giám đốc điều hành RJ Scaringe của Rivian đã xác nhận câu hỏi từ nhà phân tích Adam Jonas rằng có phải công ty này đã thực sự mua một chiếc Xiaomi SU7 để làm hình mẫu. Điều này không hoàn toàn bất ngờ vì nhiều lý do.
Xe điện của Trung Quốc hiện được biết đến là cực kỳ tiên tiến về mặt phần mềm, cấu trúc, chi phí sản xuất thấp, hiệu quả và nhiều yếu tố khác. Vì vậy, nhiều nhà sản xuất ô tô mua những chiếc xe này để tìm hiểu và học hỏi.
Ông Scaringe cho biết, ở Trung Quốc, có sự cạnh tranh rất lớn giữa nhiều thương hiệu khác nhau trong lĩnh vực xe điện, nên tất nhiên, họ thấy một số xe rất ấn tượng xét về mặt chi phí và doanh nghiệp. Nhiều người đã tháo rời những chiếc xe đó để nghiên cứu bên trong.
Nhưng việc Rivian lựa chọn Xiaomi SU7 là điều rất đáng chú ý. Đây thực sự là một khoảnh khắc "được ăn cả, ngã về không" nếu bạn muốn chọn một mẫu xe làm hình mẫu.
SU7 là bước chân đầu tiên vào ngành ô tô của gã khổng lồ công nghệ và smartphone Trung Quốc. Xiaomi hiện là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ ba thế giới, sau Apple và Samsung.
SU7 tích hợp rất sâu vào hệ sinh thái phần mềm và phần cứng hiện có của Xiaomi đang được hơn nửa tỷ người trên toàn cầu sử dụng, nên nó được mệnh danh là "Apple Car của Trung Quốc".
Trên thực tế, SU7 đã nhận được những đánh giá rất tích cực ở Trung Quốc khi có tính năng vận hành vượt trội so với Tesla Model S nhưng giá bán chỉ ngang mẫu Model 3. Và Xiaomi thậm chí đang lên kế hoạch sớm ra mắt phiên bản tính năng vận hành cao có thể trở thành chiếc sedan nhanh nhất từng được sản xuất.
Vì vậy, có thể nói rằng Xiaomi đã đi đúng hướng. Và trong bối cảnh hãng Rivian đang tìm cách nâng cấp kết cấu xe điện, cải thiện phần mềm và cắt giảm chi phí để đảm bảo khả năng sinh lợi, có lẽ Xiaomi SU7 là hình mẫu tốt nhất để học theo.
Mặc dù ông Scaringe không đề cập cụ thể đến SU7 sau khi xác nhận câu hỏi của Jonas, nhưng ông đã nhấn mạnh rằng việc giảm chi phí là lý do chính khiến Rivian quan tâm.
"Nhiều người đã tháo rời những chiếc xe đó ra để xem bên trong có gì. Nhiều trường hợp không có gì đặc biệt cả. Nhưng lợi thế về chi phí có trong từng con ốc, từng dây dẫn, và từng tấm ốp trong xe", ông Scaringe nói.
Ông Scaringe cũng nói thêm rằng nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang cạnh tranh trong một môi trường mà họ phải chấp nhận biên lợi nhuận bằng 0 và có kế hoạch duy trì điều đó trong một thời gian rất dài. Điều này có nghĩa là họ đã tìm ra cách để tồn tại trong cuộc đua này, và điều đó đồng nghĩa với việc phải chú trọng đến việc giảm chi phí và trở nên nổi bật.
Ông xác nhận rằng Rivian không có kế hoạch vào thị trường Trung Quốc, vì nhiều lý do, nhưng cho biết điều quan trọng là phải biết liệu xe điện Trung Quốc có cạnh tranh được ở Mỹ hoặc châu Âu hay không.
Ông cũng bổ sung rằng nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tìm cách thâm nhập thị trường Mỹ thông qua các hợp tác kỹ thuật và pin. Rivian muốn học hỏi nhiều điều không chỉ ở cách những chiếc xe này được sản xuất, mà còn cách chuỗi cung ứng của họ hoạt động.