Thị trường ô tô châu Á: Cửa hẹp cho xe Mỹ

(Dân trí) - Giám đốc hãng nghiên cứu thị trường J.D. Power & Associates tại Trung Quốc, ông Michael J. Dunne, vừa có một bài phân tích thị trường ô tô châu Á-Thái Bình Dương, và vị trí của ba “đại gia” xe hơi Mỹ - GM, Ford, Chrysler - tại đây.

Bất cứ ai thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường ô tô thế giới đều biết rằng nơi có cơ hội tăng trưởng lớn nhất hiện nay là châu Á. Tổng doanh số tiêu thụ xe du lịch của thị trường này trong năm nay dự kiến đạt 15 triệu chiếc, vượt xa Mỹ.

 

Theo ông Michael J. Dunne, châu Á là một thị trường đa dạng, với nhiều loại hình văn hoá, hệ thống chính trị và mức độ phát triển kinh tế khác nhau. Ông chia khu vực châu Á-Thái Bình Dương thành 3 loại thị trường:

 

- Phát triển;

- Nhỏ và đang phát triển;

- Lớn và đang phát triển.

 

Thị trường phát triển

 

Nhóm thị trường ô tô đã phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương gồm các nước Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự kiến tổng doanh số tiêu thụ xe hơi của 3 nước này trong năm nay sẽ đạt 6,1 triệu chiếc, tương đương khoảng 40% của khu vực.

 

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực thị trường này lại khiêm tốn nhất khu vực; trong đó, riêng trường hợp Nhật Bản, tốc độ tăng trưởng thậm chí âm.

 

Trong 3 thị trường trên, Australia là nơi làm ăn khấm khá nhất của 3 “đại gia” ngành xe hơi Mỹ - GM, Ford, Chrysler, với doanh số chiếm 26%. Tuy nhiên, thị trường này có mức tiêu thụ xe trung bình chỉ 845.000 chiếc/năm và cũng sắp bão hoà. Tại đây, các nhà sản xuất ô tô Mỹ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đến từ các thương hiệu Nhật Bản.

 

Nhìn chung, ông Michael J. Dunne cho rằng các nhà sản xuất ô tô Mỹ (Big Three) hầu như đã hết hy vọng cạnh tranh tại 3 thị trường này.

 

Thị trường nhỏ và đang phát triển

 

Nhóm này chủ yếu gồm các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Doanh số tiêu thụ ô tô của thị trường Đông Nam Á, hay còn gọi là khối ASEAN, dự kiến đạt 1,6 triệu xe trong năm nay, trong đó 3 nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ chỉ chiếm khoảng 3,5% và tập trung chủ yếu ở Thái Lan.

 

Ford, GM và Chrysler đã đầu tư hơn 800 triệu USD vào Thái Lan trong thập niên 90, với hy vọng giữ vững vị thế tại thị trường quan trọng nhất khu vực ASEAN này. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, đi đầu là Toyota và Honda, vẫn nhanh chân hơn các “ông lớn” Detroit, nhờ lợi thế “sân nhà”. Xe Nhật Bản hiện chiếm khoảng 92% doanh số tiêu thụ ô tô của Thái Lan.

 

Trong khi đó, doanh số tiêu thụ ô tô tại Ấn Độ ước đạt 1,5 triệu USD trong năm 2008, và những bước tiến của “Big Three” cũng rất khiêm tốn. Tổng doanh số của cả ba dự kiến đạt 96.000 xe trong năm nay, tương đương 6% thị trường. Môi trường cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt đối với các nhà sản xuất ô tô Mỹ tại một thị trường đặc biệt nhạy cảm với giá như Ấn Độ.

 

Tại khu vực thị trường này, các nhà sản xuất ô tô Mỹ lại phải chấp nhận nhường “sân trước” cho các hãng xe Nhật Bản. Theo thống kê, trung bình cứ 10 chiếc ô tô bán ra thị trường thì có tới 7 chiếc mang thương hiệu Nhật Bản.

 

Thị trường lớn và đang phát triển

 

Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ có duy nhất Trung Quốc là thị trường lớn và đang phát triển, theo ông Dunne. Đây cũng là nơi bộ ba nhà sản xuất ô tô Mỹ đầu tư nhiều nhất.

 

Dự kiến Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 6 triệu chiếc ô tô trong năm 2008, và các nhà sản xuất ô tô Mỹ sẽ chiếm khoảng 12% thị phần, tương đương 720.000 xe. Xét trong bối cảnh hiện có tới 51 mác xe ô tô được sản xuất và tiêu thụ tại Trung Quốc, bên cạnh 15-20 mác xe nhập khẩu, có thể nói rằng thị phần trên của “Big Three” là khá đáng nể.

 

Tuy nhiên, thành công hiện tại không phải là một đảm bảo tương lai cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ.

 

Beijing Jeep, liên doanh ô tô nước ngoài đầu tiên tại Trung Quốc, thành lập hồi đầu những năm 80, đã đóng cửa do mâu thuẫn nảy sinh giữa các đối tác và sản phẩm ra mắt thị trường không hợp thời.

 

Căn cứ theo tình hình thị trường, Chrysler đang “xốc” lại bộ máy lãnh đạo và tập trung vào các thoả thuận nhượng quyền sản xuất và nhập khẩu, thay vì thành lập liên doanh, để bán xe Dodge, Chrysler và Jeep tại Trung Quốc. Doanh số của Chrysler tại Trung Quốc dự kiến đạt khoảng 20.000 chiếc trong năm nay.

 

Trong khi đó, doanh số của Ford ước đạt gần 190.000 chiếc, và mác xe này đang ngày càng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, đặc biệt là hai mẫu Focus và Mondeo.

 

“Anh cả” của ngành xe hơi Mỹ, GM, dự kiến đạt doanh số khoảng 510.000 xe tại Trung Quốc trong năm 2008. Đây cũng là nhà sản xuất ô tô Mỹ chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh số ổn định nhất trong “Big Three” tại Trung Quốc, kể từ khi ra mắt thị trường vào cuối những năm 90.

 

Tuy nhiên, thị phần của GM tại Trung Quốc hiện nay đã giảm trở lại mức 8%, sau khi tạo đỉnh 11% vào năm 2005. Thêm vào đó, Toyota đã âm thầm thay thế vị trí thứ hai của GM trên thị trường Trung Quốc trong năm 2008 (sau Volkswagen), trong khi doanh số của thương hiệu từng “làm mưa làm gió” của GM tại đây, Buick, hầu như không tăng trưởng trong thời gian gần đây.

 

Quy mô hiện tại và tiềm năng phát triển trong tương lai của thị trường Trung Quốc vẫn rất hấp dẫn, và các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hoàn toàn có cơ hội. Tuy nhiên, theo ông Michael J. Dunne, họ không nên vì thế mà xao nhãng các thị trường khác trong khu vực. Lý do thứ nhất là vì các thị trường châu Á (trừ Trung Quốc) vẫn chiếm hơn 9 triệu xe trong doanh số tiêu thụ hàng năm. Thứ hai, Trung Quốc là thị trường có môi trường cạnh tranh rất khốc liệt, nên dù lớn nhưng không dễ chinh phục.

 

Nhật Minh

Theo Detroit News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm