Thầy giáo dạy toán mất 11 năm để tự chế ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời

T.Thủy

(Dân trí) - Một giáo viên dạy toán đã mất 11 năm để thực hiện dự án cá nhân, tự chế tạo nên một chiếc xe ô tô hoạt động bằng năng lượng mặt trời.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu liên tục tăng cao, trong khi mức giá của những chiếc xe ô tô chạy điện vẫn rất khó tiếp cận được tại những quốc gia nghèo, một giáo viên người Ấn Độ đã thực hiện tham vọng tự tạo ra cho mình một chiếc xe điện.

Theo đó, Bilal Ahmed, một giáo viên dạy toán sống tại thành phố Srinagar (bang Jammu và Kashmir, Ấn Độ) từ lâu đã thể hiện niềm đam mê với ô tô và ước mơ tự tạo ra cho mình một chiếc xe sử dụng năng lượng mặt trời. Cách đây 11 năm, Ahmed đã bắt tay để biến ước mơ thành sự thật.

Chiếc xe của Ahmed mang phong cách thập niên 50 của thế kỷ trước, với kiểu cửa lật cánh chim (Ảnh: Twitter).

Chiếc xe của Ahmed mang phong cách thập niên 50 của thế kỷ trước, với kiểu cửa lật cánh chim (Ảnh: Twitter).

Để thực hiện giấc mơ của mình, Ahmed đã chi ra hơn 1,5 triệu rupee (hơn 442 triệu đồng) để tạo ra một chiếc xe sử dụng động cơ chạy bằng năng lượng mặt trời. Anh đã đặt tên cho chiếc xe của mình là Y.M.C., theo tên viết tắt của 2 người còn là Yosha và Maisha.

"Khi bắt đầu dự án và ngay cả sau khi tôi hoàn thành nó, tôi đã không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào về tài chính. Nếu nhận được sự hỗ trợ phù hợp về tài chính, có lẽ tôi đã trở thành Elon Musk của Ấn Độ", Bilal Ahmed hài hước chia sẻ về dự án của mình.

Bilal Ahmed và chiếc xe điện mất 11 năm để hoàn tất của mình (Ảnh: Twitter).

Bilal Ahmed và chiếc xe điện mất 11 năm để hoàn tất của mình (Ảnh: Twitter).

Sau khi tìm hiểu những kiến thức cần thiết, Ahmed đã bắt tay vào chế tạo một chiếc xe ô tô mang phong cách những năm 50 của thế kỷ trước, với cửa xe kiểu lật cánh chim như trên những mẫu xe đắt tiền. Ahmed đã phủ các tấm pin năng lượng mặt trời trên hầu hết mọi bề mặt của xe, từ nắp ca pô đến kính chắn gió phía sau.

Các tấm pin năng lượng mặt trời bao phủ khắp thân xe (Ảnh: Twitter).

Các tấm pin năng lượng mặt trời bao phủ khắp thân xe (Ảnh: Twitter).

Tối ưu hóa lượng năng lượng có thể hấp thụ từ bề mặt tương đối nhỏ của một chiếc hatchback được xem là chìa khóa thành công của Ahmed.

Để thực hiện điều này, Ahmed đã lựa chọn các tấm pin năng lượng mặt trời đơn tinh thể, trong đó mỗi tế bào quang điện được làm từ một tinh thể silicon duy nhất. Những tấm pin này tạo ra nhiều năng lượng điện nhờ hấp thụ ánh nắng mặt trời nhiều hơn những tấm pin đa tinh thể, điều này giúp xe có thể sử dụng được trong những ngày ít ánh sáng mặt trời.

Ahmed cho biết các tấm pin năng lượng mặt trời còn có thể đổi hướng khi mặt trời di chuyển, giúp tối ưu hóa khả năng hấp thụ ánh nắng.

Bilal Ahmed hy vọng có thể thành lập một công ty để sản xuất hàng loạt mẫu xe sử dụng pin năng lượng mặt trời của mình, với giá cả phải chăng để giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng trong bối cảnh giá nhiên liệu đang tăng cao, còn ánh nắng mặt trời thì lại rất "thừa thãi" tại Ấn Độ.

Sau khi hoàn tất chiếc xe sử dụng năng lượng mặt trời và được truyền thông đăng tải, sản phẩm của Bilal Ahmed đã thu hút được sự chú ý và nhận được sự hỗ trợ từ Viện công nghệ Quốc gia ở thành phố Srinagar. Các chuyên gia cam kết sẽ hỗ trợ Ahmed hoàn thiện hơn nữa chiếc xe của anh và sẽ tìm kiếm những nguồn tài trợ cần thiết.

Cận cảnh chiếc xe sử dụng năng lượng mặt trời do thầy giáo tự chế tạo (Video: Twitter).

Theo N18/IEx