Tài xế hồn nhiên dừng xe ngay trước đường cứu nạn
(Dân trí) - Không thể lấy lý do "Không biết" để biện minh cho việc dừng xe trước đường cứu nạn, bởi đây là khái niệm mà người đã học luật giao thông để thi bằng lái xe cần phải biết.
Theo quy định, đường cứu nạn (hay còn gọi là hốc cứu nạn, đường lánh nạn,...) là đoạn đường được thiết kế và thi công trên đường đèo dốc nhằm làm giảm tốc độ và đảm bảo cho những xe mất kiểm soát như hỏng phanh, hỏng hộp số, máy quá nóng,...
Đường cứu nạn thường được thiết kế gồm hai đoạn: đoạn đường dẫn và đệm giảm tốc. Đường lánh nạn sẽ có lớp sỏi đá hoặc đất cát, tùy theo địa hình còn có thể được làm dốc hoặc bằng.
Khi ô tô chạy vào đường cứu nạn, bánh xe sẽ bị lún xuống, cát hoặc sỏi đá sẽ làm xe chạy chậm dần rồi dừng hẳn lại. Thiết kế này trên thực tế đã giúp giảm nhiều vụ tai nạn giao thông.
Chính vì vậy, việc dừng đỗ xe ở lối vào hoặc trên đường cứu nạn rất nguy hiểm cho chính mình và các phương tiện khác khi không may gặp sự cố mất phanh.
Dưới đây là hình ảnh một tình huống xảy ra ở Việt Nam hồi tháng 7/2020, khi một chiếc xe khách đang chở 30 hành khách lưu thông hướng Điện Biên - Hà Nội trên Quốc lộ 6 đoạn qua tỉnh Hòa Bình, đến Km116+900 thì bị mất phanh.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt không quy định mức phạt riêng cho hành vi dừng đỗ xe ở lối vào hoặc trên đường cứu nạn.
Thay vào đó, nếu dừng đỗ xe trên đường cứu nạn có biển "Cấm dừng xe và đỗ xe" cắm phía trước thì tài xế sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
Như vậy, ngoài ý thức của người tham gia giao thông, mức phạt rõ ràng chưa đủ sức răn đe đối với hành vi này.