Dàn hàng chụp ảnh trên đường lánh nạn: Thiếu hiểu biết hay liều mạng?
(Dân trí) - Những người ít lái xe đường dài có thể không biết công dụng của đường lánh nạn, nhưng tài xế chuyên nghiệp cũng không biết hoặc phớt lờ, thì thực sự đáng quan ngại.
Mới đây, cộng đồng mạng một lần nữa lại "dậy sóng" vì hình ảnh một chiếc xe khách dừng giữa đường lánh nạn để nhóm thanh niên đứng dàn hàng chụp ảnh kỷ niệm.
Đáng nói hơn, trước đó đã có rất nhiều cảnh báo trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội về sự nguy hiểm của việc dừng đỗ xe trên đường lánh nạn, cũng như tuyên truyền về công dụng của loại đường này. Không rõ các bạn trẻ trong bức ảnh trên, và cả tài xế xe khách, thiếu hiểu biết hay biết nhưng vẫn liều mạng.
"Đừng vào mạng chỉ để xem TikTok! Đã có bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu lời cảnh báo liên quan đến đường cứu nạn, không lẽ các bạn chưa lướt qua bao giờ? Đừng chết vì thiếu hiểu biết", một người dùng mạng xã hội bức xúc bình luận sau khi xem bức ảnh trên.
Có cái nhìn thông cảm hơn với các bạn trẻ, bạn Tú M. nhận xét: "Giả sử các em không biết đã đành, nhưng tài xế là người lái xe chuyên nghiệp mà cũng không nhắc nhở các bạn, còn đồng ý dừng xe giữa đường lánh nạn thì thật sự quá nguy hiểm. Lái xe là nắm giữ tính mạng của mấy chục con người, không thể bất chấp nguyên tắc an toàn như vậy".
Đường cứu nạn thường được thiết kế rẽ nhánh so với đường chính, làm dốc ngược cộng thêm mặt đường nhiều cát sỏi, từ đó giúp xe giảm tốc độ nhanh hơn. Đây được xem là một trong những giải pháp giúp hạn chế thiệt hại về người và của với xe bị mất phanh khi lưu thông trên các đoạn đường đèo dốc.
Vẫn biết đường lánh nạn là nơi chỉ phát huy tác dụng khi có xe gặp sự cố mất phanh, mất lái đi vào, nhằm tránh lao vào xe khác hoặc vách núi, tức là tần suất sử dụng thấp. Tuy nhiên, không nên vì thế mà đặt cược tính mạng của bản thân. Hãy thử tưởng tượng khi có xe mất phanh lao tới, liệu bạn có kịp bỏ chạy thoát thân?
Bên cạnh những ý kiến chỉ trích, lên án hành vi dừng xe trên đường lánh nạn, nhiều người cho rằng không thể trông chờ vào ý thức tự giác của tài xế; thay vào đó, cần có chế tài xử phạt thật nặng cho vi phạm này thì mới có tính răn đe.