Sự thật câu chuyện vua Ấn Độ mua siêu sang Rolls-Royce để làm xe quét rác

Câu chuyện về vua Jai Singh ở Ấn Độ vì bất mãn với nhân viên hãng xe Rolls-Royce phân biệt chủng tộc mà mua liền 6 chiếc mang về quét rác đã trở thành giai thoại, nhưng sự thật có đúng như vậy?

Câu chuyện về vua Ấn Độ dạy bài học cho hãng siêu sang Anh quốc

Trong cuốn sách "Luxury Marketing: A Challenge for Theory and Practice" (tạm dịch: Marketing cao cấp: Một thách thức lý thuyết và thực hành) của Wiedmann và Hennigs xuất bản năm 2012 có nhắc đến đến giai thoại về Jai Singh - vị vua xứ Alwar, tiểu bang Rajasthan, Ấn Độ.

Câu chuyện kể lại rằng, vào khoảng những năm 1920, vua Jai Singh đến thăm thủ đô London của nước Anh. Khi đang tản bộ bằng thường phục, ông bước vào cửa hàng Rolls-Royce trên phố Bond, và rất tự nhiên, hỏi một nhân viên về giá cả của những chiếc xe đang trưng bày.

Sự thật câu chuyện vua Ấn Độ mua siêu sang Rolls-Royce để làm xe quét rác - 1

Hình ảnh lan truyền trên internet cho rằng đây là vua Jai Singh trong câu chuyện mua xe.

 

Người bán hàng không hề biết về vua Jai Singh nên cho rằng ông cũng là một người dân nghèo của Ấn Độ. Vì vậy, anh tỏ ý coi thường rồi đuổi ông ra khỏi cửa hàng. Sau đó, vua Jai Singh đã cho người mua 6 chiếc Rolls-Royce đem về Ấn Độ.

Tại Ấn Độ, vua Jai Singh ra lệnh sử dụng những chiếc Rolls-Royce mới mua để… thu gom rác trong thành phố. Sự việc khiến hãng xe Anh quốc mất mặt mà chịu dè bỉu, gây thất thu một thời gian dài.

Sự cố kể trên đã trở thành một bài học dành cho các nhà kinh doanh và những nhân viên chăm sóc khách hàng. Các trang báo nổi tiếng, như The Telegraph của Anh và IndiaTVNews của Ấn Độ, vẫn nhắc lại câu chuyện trên như một giai thoại về dòng xe cao cấp nổi tiếng của thế giới.

Thế nhưng, câu chuyện trên đến nay vẫn được lưu truyền mà không có bằng chứng thuyết phục.

Sự thật câu chuyện vua Ấn Độ mua siêu sang Rolls-Royce để làm xe quét rác - 2

Một chiếc Rolls-Royce của vua Ấn Độ.

Sự thật về bài học vua Jai Singh dành cho hãng xe Rolls-Royce

Theo trang Cartoq, Maharaja Jai Singh còn được gọi là Jai Singh II và sinh ngày 3/11/1688 và mất ngày 21/9/1743. Trong khi thực tế, phát minh ô tô đưa vào cuộc sống mới chỉ xảy ra vào năm 1885, bởi Carl Benz. Đồng thời, hãng xe Rolls-Royce được thành lập vào năm 1906, tức là sau khi vua Maharaja Sawai Jai Singh qua đời tới 163 năm.

Chính vì sự mâu thuẫn trong dòng thời gian của sự ra đời của Rolls-Royce và cái chết của Maharaja trong quá khứ nên câu chuyện mua xe không thể là sự thật.

Ngoài vua Jai Singh, câu chuyện mua xe cũng bị kể lại kiểu "tam sao thất bản" như vua Nizam của Hyderabad hoặc Maharaja Kishan Singh của Bharatpur hoặc Maharaja của Patiala. Có rất nhiều tên khác của Maharajas và các vị vua có liên quan đến cùng một câu chuyện.

Vậy sự thật về bức ảnh xe Rolls-Royce gắn chổi là gì?

Những chiếc xe có chổi đã được sử dụng trên xe Rolls-Royce là có thật và vẫn còn hình ảnh tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, mục đích của những cây chổi gắn trước bánh xe có nguyên nhân của nó chứ không hề để quét đường như các giai thoại đã kể.

Sự thật câu chuyện vua Ấn Độ mua siêu sang Rolls-Royce để làm xe quét rác - 3

Hình ảnh chiếc xe gắn chổi phía trước lan truyền trên internet và làm nền cho câu chuyện vua Ấn Độ "trả đũa" hãng xe Anh quốc.

 

Thực tế chiếc chổi được buộc vào phía trước của những chiếc xe đắt tiền để tiết kiệm lốp xe. Đó là một câu chuyện khá thú vị. Vì trong quá khứ khi những chiếc ô tô đắt tiền du nhập vào Ấn Độ, đường xá nơi này không tốt và đá dăm có thể làm hỏng lốp xe một cách dễ dàng, nên những chiếc chổi gắn trước bánh xe giúp quét sạch trên đường đi. Đồng thời điều này vô tình làm cho đường thông thoáng hơn cho các phương tiện giao thông.

Thời kỳ này hầu hết các Maharajas (Maharaja dùng để chỉ nhà cầm quyền theo Ấn Độ giáo cai trị những vùng lãnh thổ rộng lớn của Ấn Độ) đều sở hữu xe Rolls-Royce. Một khi lốp xe bị mòn hoặc thủng, họ thậm chí không thèm thay lốp xe, mà đơn giản là mua xe ô tô mới. Vì vậy, những chiếc chổi được sử dụng như một liệu pháp tăng tuổi thọ của các phương tiện giao thông thời đó chứ không phải để thu gom rác như các câu chuyện được thêu dệt trên Internet ngày nay.