Sẽ thế nào nếu ở chung cư không có trạm sạc mà lại đi xe ô tô điện?
(Dân trí) - Đó là trải nghiệm thực tế của một phóng viên khi sử dụng xe ô tô điện mà đang sống ở một khu chung cư không có trạm sạc.
Tuần trước, tôi nhận chìa khóa của một chiếc ô tô điện Honda e dành cho truyền thông trải nghiệm và tôi đã nghĩ rằng nên thử trải nghiệm thực tế việc sử dụng xe điện ở Athens, Hy Lạp. Tôi muốn xem liệu một người sống ở chung cư không có điểm sạc thì có thể sử dụng một chiếc ô tô điện công suất nhỏ hay không. Trên thực tế, đây là điều kiện sống phổ biến của rất nhiều người.
Vào tối thứ Sáu, tôi đậu chiếc Honda e ở trên đường bên ngoài khu căn hộ trong tình trạng còn 50% pin và máy tính báo là xe có thể chạy khoảng 77 km nữa. Thứ Bảy tôi có kế hoạch về thăm nhà ở đầu kia thành phố và theo tính toán của Google Maps, quãng đường là 76 km.
Dù biết như vậy là mạo hiểm, nhưng tôi vẫn quyết định sẽ đi bằng chiếc ô tô điện, hy vọng có thể sạc ở dọc đường. May mắn là chiếc xe có cả hai loại cáp sạc (loại tiêu chuẩn để sạc tại các hộ gia đình và loại dành cho điểm sạc công cộng), tức là dễ tìm chỗ sạc hơn, ít nhất trên lý thuyết là vậy. Chặng đầu tiên của hành trình dài 18 km và tôi đã tới nơi khi pin còn 40%. 61 km còn lại cho thấy có thể tin vào tính toán của máy tính trên xe.
Ngôi nhà mà tôi tới ghé thăm ở khu ngoại ô phía đông nam thành phố có gara riêng nên tôi có thể sạc xe khi lưu lại đó. Đúng 1 tiếng 15 phút sau, tôi rút sạc khi pin được 44% và có thể chạy 68 km, tức là tôi chỉ sạc thêm được 4% bằng hệ thống điện tiêu chuẩn tại các hộ gia đình. Với tốc độ sạc như vậy, chiếc xe của tôi cần 15 tiếng để sạc từ 40% lên 100%, không tiện lắm.
Trải nghiệm tìm điểm sạc dọc đường
Sau khi biết rằng ổ điện tại các hộ gia đình chỉ hợp với việc sạc qua đêm, tôi bắt đầu chặng thứ hai của hành trình trong lúc vợ lên mạng tìm trạm sạc ở gần điểm đến. Chúng tôi đến trung tâm ngoại ô phía nam nằm ngay gần bãi biển, nơi thường có hàng nghìn người đổ về đây tắm nắng vào cuối tuần. Đây là khu vực đắt đỏ, có nhiều siêu xe và SUV hạng sang chạy trên đường nên tôi hy vọng có thể tìm thấy vài điểm sạc ở khu vực xung quanh. Không may là tính năng tìm trạm sạc trên hệ thống giải trí - thông tin của Honda lúc này lại báo lỗi, không hoạt động, dù xe đang được kết nối Wi-Fi qua điện thoại di động của tôi.
Sau khi thử các ứng dụng tìm điểm sạc khác và Google Maps, chúng tôi tìm thấy hai điểm sạc - trong một tòa nhà công ty riêng (cách 10 phút đi bộ) và tại một cây xăng (15 phút đi bộ). Chúng tôi chọn cái thứ 2 vì thấy an toàn hơn, nhưng khi tới nơi, chúng tôi được nhân viên cây xăng thông báo rằng không có ổ sạc nào còn hoạt động, chúng đã bị hỏng từ lâu. Với 20% pin còn lại, tương đường quãng đường 34 km theo tính toán của máy tính trên xe, tôi quyết định liều đi tiếp vì chỉ còn 21 km là tới nơi.
"Nín thở" vì sợ xe hết điện giữa đường
Sau bữa trưa, chúng tôi bắt đầu chặng cuối cùng và cũng là chặng căng thẳng nhất của hành trình. Giao thông thuận lợi để chiếc Honda e chạy từ từ và hệ thống phanh tái tạo năng lượng phát huy tác dụng. Ưu tiên của tôi là không phải gọi cứu hộ trên đường và không mất hàng giờ chờ xe sạc pin ở một trạm sạc cách xa nhà. Thật may mắn, thông qua một ứng dụng dành riêng, tôi đã tìm thấy hai điểm sạc nhanh 25.2 kWh chỉ cách nhà khoảng 10 phút đi bộ.
Tôi đã tới nơi khi pin còn 3%, tương đương quãng đường có thể đi được chỉ là 5 km. Nhân viên an ninh của tòa nhà xác nhận rằng có hai trạm sạc nhanh bên trong, nhưng lại không muốn cho tôi vào vì không rõ các trạm sạc đó có để dùng công cộng không hay chỉ dành cho nhân viên công ty (dù ứng dụng cho thấy đó là điểm sạc 24/7).
Sau khi liên lạc với ông chủ và giải thích tình trạng xe gần cạn pin của tôi, nhân viên an ninh đã mở cửa gara cho tôi vào khi pin chỉ còn 1%. Vợ tôi đang có mang bầu nên đã cực kỳ lo xe sẽ hết điện giữa đường vì không tìm được điểm sạc.
Cái kết có hậu
Cả hai chúng tôi đã thở phào khi cắm sạc cho chiếc Honda e và thấy năng lượng truyền vào. Với mức phí 0,50 euro/kWh (12.500 đồng), sạc đầy bộ pin 35,5 kWh thường sẽ mất 17,75 euro (440.000 đồng), nhưng không hiểu sao tôi không thể thanh toán được qua ứng dụng. Vậy là tôi đã sạc điện miễn phí.
Về thời gian sạc, dự kiến chiếc xe cần 5 tiếng để sạc pin từ 1% lên 100%, khá hợp lý vì cáp sạc có công suất 6,6 kW, chỉ dùng một phần công suất 25,2 kWh của bộ sạc. Ô tô điện Honda e hỗ trợ sạc siêu nhanh với hệ thống sạc 100 kW DC, nhưng hiện tại ở Hy Lạp không có loại này.
Tối muộn, tôi quay lại lấy xe khi pin đã được 99%, tương đương quãng đường 165 km. Như vậy là đủ để tôi dùng cả ngày Chủ Nhật và còn lại 79% pin, tương đương quãng đường 140 km, đủ để bắt đầu một tuần mới. Bài học rút ra là từ nay tôi cần sạc đầy pin cho xe vào tối thứ Sáu.
Kết luận
Tôi biết trải nghiệm sẽ hoàn toàn khác nếu tôi tìm hiểu thông tin kỹ hơn trước khi đi, tìm và xác nhận điểm sạc qua điện thoại. Nếu như với xe động cơ đốt trong truyền thống, tôi chỉ cần tìm nhanh, hoặc thậm chí lái xe vòng vòng, một lúc là sẽ tìm được trạm xăng, thì với một chiếc ô tô điện, bạn thật sự cần chuẩn bị kỹ.
Trên thực tế, có hàng chục triệu khu căn hộ ở châu Âu (và những nơi khác) không có trạm sạc dành cho xe điện. Và đó chính là một điểm bất lợi lớn đối với xe ô tô điện.
Tất nhiên là tôi có thể lái xe tới một trạm sạc bất kỳ trên đường, nhưng khi đó, tôi sẽ phải thay đổi kế hoạch, hoặc hủy các cuộc hẹn và đợi xe sạc điện. Việc đó không tiện lắm ngay cả khi thành phố mà tôi sống mới chỉ có mấy ngàn chiếc ô tô điện. Hãy tưởng tượng cảnh doanh số xe điện tăng lên ở một thành phố có hơn 3 triệu dân như Athens, và hầu hết sống ở các chung cư không có trạm sạc.
Tuy nhiên, mục tiêu của tôi chỉ là xem liệu có thể sử dụng một chiếc ô tô điện giống như xe chạy xăng hay không, và câu trả lời là có, miễn là bạn có kế hoạch và tính toán cẩn thận, đừng lệ thuộc vào việc tìm điểm sạc bất kỳ ở dọc đường. Trừ khi bạn sống trong các khu chung cư mới, hiện đại và cao cấp, có trạm sạc điện; nếu không, đừng mơ tưởng việc bạn có thể sạc xe ô tô điện qua đêm tại nhà.
Để ô tô điện có thể hoàn toàn thay thế xe chạy bằng xăng, dầu truyền thống, cần có sự bắt tay của chính phủ với khối tư nhân để phát triển mạng lưới trạm sạc. Thông thường, nhiều nước, trong đó có Hy Lạp, chủ yếu ưu tiên thúc đẩy doanh số xe điện hơn là phát triển cơ sở hạ tầng sạc cần thiết.
Người mua xe điện biết điều đó, nhưng họ chủ yếu dựa vào hệ thống sạc tại nhà. Chính điều này đã co hẹp nhóm khách hàng của xe ô tô điện giới hạn ở những người có nhà riêng hoặc ở chung cư cao cấp.
(Lược dịch theo chia sẻ của phóng viên ô tô Thanos Pappas)
Ảnh: Carscoops/Thanos Pappas