Sắp thành lập các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô với Nga, Belarus
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, đàm phán các thỏa thuận song phương về hợp tác sản xuất, lắp ráp ô tô giữa Việt Nam với Liên bang Nga và với Cộng hòa Belarus vừa kết thúc.
Theo đó, sau khoảng nửa năm đàm phán tích cực, đến nay việc đàm phán đã hoàn tất và các Trưởng đoàn đàm phán đã ký tắt Nghị định thư về ô tô giữa Việt Nam và Nga (vào ngày 15/1/2016) và Nghị định thư về ô tô giữa Việt Nam và Belarus (vào ngày 20/1/2016). Dự kiến các Nghị định thư này sẽ được ký kết vào khoảng cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2016.
Do các Nghị định thư ô tô được đàm phán và ký kết dựa trên Điều khoản về Hỗ trợ các dự án đầu tư ưu tiên thuộc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA), nên ngay khi ký tắt các Nghị định thư nêu trên cả phía Nga và phía Belarus đều đã thông báo sẽ khẩn trương triển khai thủ tục phê chuẩn Hiệp định VN-EAEU FTA để Hiệp định này và các Nghị định thư về ô tô sẽ cùng có hiệu lực.
Nội dung cơ bản của các Nghị định về ô tô bao gồm việc các DN sản xuất ô tô của Nga (KAMAZ, GAZ, UAZ...) và Belarus (MAZ) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải (KAMAZ, GAZ, UAZ, MAZ), xe từ 10 chỗ trở lên (KAMAZ, MAZ), xe địa hình (UAZ) và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam với cam kết là các xe lắp ráp tại Việt Nam sẽ phù hợp với Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24-7-2014 về Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Cụ thể, phải đạt được tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2020 là 25% đối với xe chuyên dụng, 30% đối với xe tải, xe địa hình và 35% đối với xe từ 10 chỗ trở lên. Vào năm 2025 đạt được tỷ lệ nội địa hóa là 40% đối với xe chuyên dụng và xe địa hình, 45% đối với xe tải và 45% đối với xe từ 10 chỗ trở lên. Riêng Belarus cam kết tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, đến năm 2020 là 40% và đến năm 2026 là 60%.
Cũng theo Bộ Công Thương, ngoài thị trường trong nước, các liên doanh còn định hướng sản xuất ô tô để XK sang các nước thứ ba, trước hết là các nước Đông Nam Á do ô tô có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% của Việt Nam sẽ được miễn thuế NK vào các nước ASEAN.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được NK miễn thuế một số xe nguyên chiếc để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường đồng thời cho hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô tô trong vòng 5 năm (là khoảng thời gian trước khi thuế NK linh kiện, phụ tùng ô tô theo Hiệp định VN-EAEU FTA sẽ được cắt giảm dần về 0%).
Theo Hoài Anh
Hải quan Online