Sản xuất xe rẻ nhất thế giới: Không đơn giản!
(Dân trí) - Việc xe Tata Nano giá 2.500 USD - rẻ nhất thế giới - ra mắt thực sự đã được xem như một câu chuyện “cổ tích” mới trong ngành chế tạo xe hơi. Nhưng càng gần đến ngày mẫu xe chính thức có mặt trên thị trường, khó khăn càng chồng chất với Tata.
Nếu như hồi tháng 1 năm nay, khi lần đầu tiên trình làng mẫu ô tô rẻ nhất thế giới tại Triển lãm Delhi (Ấn Độ), Tata Motors đã nhận được nhiều sự tán dương, thì giờ đây, khi ngày chiếc xe chính thức có mặt trên thị trường không còn xa, dự kiến vào tháng 10 tới, thì nhà sản xuất ô tô Ấn Độ này lại phải đối diện với những phản ứng hoàn toàn trái ngược.
Ngày 24/8 vừa qua, khoảng 30.000 người đã tập trung biểu tình chặn mọi nẻo đường dẫn đến nhà máy sản xuất xe Tata Nano tại Singur, cách Kolkata hơn 30km về phía tây, bày tỏ thái độ giận dữ trước cách thức chính quyền bang Tây Bengal thu hồi hơn 400 mẫu đất nông nghiệp quanh nhà máy. Khoảng 3.000 cảnh sát đã được huy động, với vòi phun nước chuẩn bị sẵn sàng, để phòng trường hợp xảy ra bạo lực.
Vụ biểu tình đã xảy ra sau khi Tata tuyên bố sẽ bỏ nhà máy này nếu còn tiếp diễn thái độ bất hợp tác của người dân ở đây, gây nguy hiểm cho người làm việc tại nhà máy.
Những người biểu tình bên ngoài khu vực nhà máy của Tata hôm 24/8
Những người biểu tình cho rằng chính quyền đã thu hồi đất nông nghiệp của người dân một cách bất hợp pháp để Tata làm nhà máy. Trong khi đó, phía Tata và chính quyền khẳng định không làm gì sai trái.
Khoảng 500 người đã cắm 21 lều trại gần nhà máy, quyết không về nếu không được trả lại đất. Đại diện chính quyền bang Tây Bengal tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán.
Cuộc biểu tình không phải là khó khăn duy nhất của Tata trong thời gian gần đây.
Môi trường cạnh tranh khốc liệt
Đối với các đối thủ cạnh tranh, những khó khăn gần đây của Tata trong quá trình sản xuất xe Nano lại là tin vui. Dù khá nhỏ nếu so với Trung Quốc, nhưng Ấn Độ vẫn là một thị trường quan trọng cần chinh phục của các nhà sản xuất ô tô. Nhiều công ty đang khẩn trương triển khai và mở rộng hoạt động sản xuất tại đây.
Ấn Độ hấp dẫn các nhà sản xuất ô tô trước tiên bởi tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường nội địa, và sau đó là tiềm năng trở thành trung tâm xuất khẩu xe giá rẻ. Nissan đang xây dựng một nhà máy công suất 400.000 xe tại Chennai cùng với đối tác Renault, còn Suzuki cũng rậm rịch triển khai kế hoạch sản xuất xe tại Ấn Độ để xuất khẩu sang châu Âu và một số thị trường khác. Nissan và Renault cũng đã móc nối với công ty ô tô Bajaj của Ấn Độ để sản xuất một mẫu xe giá rẻ cạnh tranh với Tata Nano.
Khả năng phải chuyển nhà máy
Ngày 22/8, Chủ tịch Tata, ông Ratan Tata, đưa ra đề xuất chuyển việc sản xuất xe Nano sang một nhà máy khác ở Ấn Độ. “Tôi đã đầu tư khá nhiều cho nhà máy ở đây (khoảng 350 triệu USD). Chuyển đi sẽ là thiệt hại lớn đối với Tata Motors và các cổ đông. Nhưng chúng tôi không thể vận hành nhà máy với sự bảo vệ của cảnh sát,” ông nói.
Trong một cuộc họp khác, ông Tata còn cho biết những người biểu tình đã tấn công nhân viên của Tata và lấy đi một số thiết bị. Ông cho rằng Tata có thể dễ dàng tìm những địa điểm khác thiện chí hơn Singur để đặt nhà máy.
Mẫu xe giá rẻ Tata Nano ra đời nhằm đem đến cơ hội sở hữu ô tô cho những người thu nhập thấp ở Ấn Độ nói riêng và các nước đang phát triển nói chung
Người phát ngôn của Tata cho biết đang có 8 bang của Ấn Độ chào mời Tata tới mở nhà máy. Giải pháp ngắn hạn của Tata để kịp thời sản xuất có thể sẽ là chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất xe Nano sang một trong những nhà máy hiện thời của tập đoàn. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc thay đổi địa điểm sản xuất vào phút chót có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề. Một trong số đó là có thể Tata bị lỡ mất thời hạn xuất xưởng lô xe Nano đầu tiên ra thị trường vào tháng 10 tới. Thêm vào đó, ông Ramnath Subramaniam, giám đốc nghiên cứu của công ty chứng khoán IDFC-SSKI Securities ở Mumbai (Ấn Độ), cảnh báo rằng chi phí chuyển sản xuất sang nhà máy mới có thể đe dọa mức giá 2.500 USD của Tata Nano.
Theo ông này, chủ tịch Ratan Tata chỉ có hai lựa chọn nếu quyết định rời nhà máy ra khỏi Tây Bengal: giữ nguyên giá xe nhưng phải lùi thời hạn ra mắt khoảng 6-7 tháng, hoặc xuất xưởng đúng hạn nhưng phải bán xe Nano với giá cao hơn.
Chi phí tăng cao
Việc giá vật liệu sản xuất tăng cao cũng đang gây không ít khó khăn cho quá trình sản xuất xe Nano, khi Tata quyết giữ nguyên giá bán 2.500 USD.
Để cắt giảm chi phí, Tata đã phải lược bỏ hầu hết những trang thiết bị công nghệ cao được xem như không thể thiếu ở nhiều mẫu ô tô hiện đại. Tuy nhiên, với các vật liệu như thép, cao su…, thì Tata không thể làm gì nhiều khi giá tăng. Tập đoàn tư vấn Global Insight ước tính rằng so với lúc Tata bắt đầu dự án sản xuất xe Nano vào năm 2003 cho đến nay, chỉ phí vật liệu đã tăng từ 13% lên 23% trong tổng giá thành trước thuế của xe.
Thông số kỹ thuật của xe Tata Nano:
Dài: 3,1m Rộng: 1,5m Cao: 1,6m
Động cơ: 2 xy-lanh 624cc Công suất: 33 mã lực Tốc độ tối đa: khoảng 95km/h (Tuy nhiên, tốc độ tối đa đề xuất của hãng là 70km/h)
Tiêu thụ nhiên liệu: khoảng 4,7 lít/100km
Cắt giảm chi phí ở phiên bản tiêu chuẩn: Không điều hoà, không tay lái trợ lực, không túi khí, không hệ thống chống bó cứng phanh ABS, chỉ có một cần gạt nước, cửa sổ quay tay... |
Quay lại chuyện biểu tình, Tata không phải là nhà sản xuất ô tô đầu tiên đối mặt với vấn đề này. Năm 2006, Toyota cũng gặp rắc rối với nhà máy ở gần Bangalore. Sau khi 27 thành viên của công đoàn Toyota Kirloskar Motor bị đuổi việc do tham gia cuộc đình công kéo dài 10 ngày, một số công nhân đã phản đối bằng cách tuyệt thực. Trước đó một năm, một cuộc đình công ở nhà máy sản xuất xe máy của Honda cũng đã khiến tập đoàn chịu thiệt hại khoảng 57 triệu USD.
Trước nay, Tata vẫn khẳng định rằng sẽ tung mẫu xe Nano ra thị trường vào tháng 10 năm nay, và vẫn với giá chỉ khoảng 100.000 rupi, tương đương 2.500 USD (chưa tính thuế). Tuy nhiên, với các cuộc biểu tình và tình trạng giá vật liệu tăng cao, đã xuất hiện những ý kiến nghi ngờ khả năng Tata Nano sẽ có mặt trên thị trường đúng hẹn.
Một số hình ảnh của xe Tata Nano:
Nhật Minh
Theo Business Week