Tata Nano - Không phải tội đồ

(Dân trí) - Tata Nano, mẫu ô tô rẻ nhất thế giới, được xem như ngòi nổ cho cuộc cách mạng giao thông đô thị tại Ấn Độ, theo cách này hay cách khác.

 

Tata Nano - Không phải tội đồ - 1
Với giá bán khoảng 2.000 USD, Tata Nano hiện là mẫu xe rẻ nhất thế giới.

 

Tata Nano đã vượt đại dương sang ra mắt thị trường Mỹ vào đầu năm nay. Kế hoạch ban đầu là vận chuyển xe bằng đường biển, nhưng với trọng lượng chỉ hơn 600kg, Tata đã cho Nano đi máy bay.

 

Mẫu xe rẻ nhất thế giới đã đi một hành trình dài, gây sự chú ý đặc biệt và những tranh cãi ở mỗi nơi nó đi qua. Năm 2003, khi tỷ phú Ratan Tata công bố kế hoạch phát triển một mẫu xe có giá chỉ 100.000 rupee (khoảng 2.000 USD theo tỷ giá hiện tại), ông đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi.

 

Các nhà sản xuất ô tô khác thì đơn giản là không tin những gì ông nói. Các nhà hoạt động môi trường thì lo ngại một mẫu xe nhỏ giá rẻ như vậy sẽ tràn ngập các thành phố của Ấn Độ, làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.

 

Tuy nhiên, càng gần đến ngày giấc mơ của ông trở thành hiện thực, làn sóng ủng hộ Nano càng tăng. Mẫu xe đã ra mắt tại Triển lãm ô tô New Delhi vào tháng 1/2008. Các tổ chức bảo vệ môi trường hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục phản đối Nano, trong khi dư luận nhìn chung đồng tình.

 

Xe Nano là sản phẩm của nhà thiết kế Girish Wagh của Tata Motors, với sự hỗ trợ của công ty tư vấn Trilix ở Ý. Thân xe có kiểu dáng nhỏ, tròn chắc. Hiện tại, một chiếc Tata Nano màu vàng rực rỡ đã được trưng bày tại Bảo tàng thiết kế quốc gia Cooper-Hewitt ở New York từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 4 năm nay như một sự ra mắt thị trường Mỹ. Chiếc xe màu vàng đứng nổi bật trên sàn gỗ sẫm màu, cửa xe rộng mở để lộ nội thất. Hầu như ai đi qua cũng đều thốt lên: “Thật dễ thương!”.
 
Tata Nano - Không phải tội đồ - 2

Chiếc xe Tata Nano trưng bày tại New York hồi đầu năm nay

 

Tata Motors đã công bố kế hoạch đem một phiên bản của Nano tới chinh phục thị trường châu Âu vào năm sau.

 

Thu hút được sự chú ý của cả thế giới, Tata Nano giờ đây đã trở thành niềm tự hào của người dân Ấn Độ. Ông Prashanth Aare, giảng viên của một trường kinh doanh tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ, cho biết cô con gái 7 tuổi không còn thích ngồi trên chiếc Nano mới của ông nữa. “Nó thấy bực mình vì mọi người cứ sờ khắp chiếc xe, rồi họ tới hỏi han về tính năng vận hành và mức tiêu thụ nhiên liệu của xe.”

 

Chỉ trong vòng vài tháng kể từ khi chính thức có mặt trên thị trường, Nano đã có 203.000 đơn đặt hàng tại Ấn Độ. Hơn một nửa số đó đã được giao xe, và Tata Motors bắt đầu nhận đơn đặt hàng đợt 2 vào đầu tháng này. “Chẳng bao lâu nữa, Nano sẽ phổ biến như xe máy tại Ấn Độ,” ông Aare nói.

 

Hiện tại, xe máy vẫn tràn ngập đường phố Ấn Độ vì ô tô vẫn nằm ngoài khả năng tài chính của đa số người dân trong tầng lớp trung lưu. Tata Nano, với mức giá chỉ 100.000 rupee tại Ấn Độ, đủ sức cạnh tranh quyết liệt với ô tô cũ và thay thế dần xe máy ở Ấn Độ.

 

Chính bảo tàng Cooper-Hewitt ở New York đã ca ngợi Nano là đem đến một phương tiện giao thông an toàn và thoải mái hơn cho người dùng, so với xe máy. Tuy nhiên, vấn đề là các thành phố lớn của Ấn Độ thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, và việc thêm một số lượng lớn ô tô đổ ra đường sẽ khiến vấn đề ô nhiễm môi trường càng trở nên nan giải. Người dân ở các thành phố nhỏ chiếm hơn 50% tổng số người mua xe Nano tại Ấn Độ, nhưng đường sá lại không đủ rộng để tiếp nhận cùng lúc một lượng lớn ô tô, dù là xe nhỏ.

 

Trong đại hội cổ đông năm 2008, Tata giải thích rằng xe Nano không thể làm trầm trọng thêm tình hình giao thông ở Ấn Độ. Hiện có khoảng 80 triệu xe hai bánh lưu thông trên đường phố Ấn Độ, trong khi ô tô chỉ có 14,5 triệu xe. Như vậy, ngay cả trong trường hợp có 1 triệu chiếc Nano được tung ra thị trường trong vòng 5 năm tới, thì chúng cũng không khiến tổng số ô tô lăn bánh trên đường phố Ấn Độ tăng mạnh.

 

Tuy nhiên, có vẻ như là trong 5 năm đó, Tata Nano sẽ không phải là mẫu xe giá rẻ duy nhất ở Ấn Độ. Renault-Nissan dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh với Nano, khi tuyên bố vào năm 2007 rằng sẽ sản xuất một mẫu xe giá 3.000 USD trong thời gian 3 năm, tức là ra mắt trong năm nay nếu theo đúng kế hoạch. Toyota, Volkswagen, và Hyundai cũng đều đang chạy nước rút trong cuộc đua này, và hầu hết đều nhắm đến Ấn Độ như một trung tâm sản xuất xe cơ nhỏ, để sau đó đem tiêu thụ tại các nước đang phát triển khác.

 

“Vấn đề là không chỉ có Nano, mà sẽ còn nhiều xe khác,” ông Anumita Roy Choudhury, phó giám đốc Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE) ở New Delhi, nói. “Là những nhà quy hoạch đô thị, chúng ta nên đưa ra thông điệp chính trị bằng cách không tăng cường phát triển hạ tầng phục vụ ô tô riêng mà đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng.

 

Vấn đề là nên đầu tư vào loại hình giao thông công cộng nào? Trong thời gian gần đây, các thành phố đang trên đà phát triển của Ấn Độ như Hyderabad và Bangalore không còn tập trung phát triển hệ thống đường bộ nữa, mà đầu tư nhiều hơn cho hệ thống tàu điện ngầm. Với kỳ vọng rằng hệ thống giao thông công cộng mạnh sẽ giúp giảm lượng xe lưu thông trên đường, có vẻ như chính quyền các thành phố này đã đi đúng hướng.
 
Tata Nano - Không phải tội đồ - 3

 

Thành phố Ahmedabad của Ấn Độ tháng 10 năm ngoái đã khai trương hệ thống xe buýt tốc hành (BRTS - ảnh trên) chạy trên các trục đường lớn của thành phố. Hiện nay, hơn 18.000 người sử dụng phương tiện này hàng ngày, và số lượng đang ngày một tăng. Nhóm phát triển hệ thống BRTS này mới đây đã sang Mỹ để nhận Giải thưởng giao thông bền vững 2010. Ông M. P. Ranjan, giáo sư của Học viện thiết kế quốc gia Ấn Độ, rất vui mừng trước thành công ban đầu của dự án: “Xe Tata Nano thực sự đã có mặt mà không làm hỗn độn thêm giao thông thành phố, nhờ nhận thức của người dân địa phương.”

 

Nhận thức là điều các nhà hoạch định cần. Mẫu xe Nano đã châm ngòi cho một cuộc cách mạng trên đường phố Ấn Độ, khiến các nhà quy hoạch đô thị phải sốt sắng tìm kiếm lối thoát cho sức ép giao thông, đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng. Hiệu ứng này của Nano có thể nhân rộng ở các nước đang phát triển khác.

 

Nhật Minh

Theo Change Observer