Phá cửa kính nào trên ô tô để thoát hiểm nhanh nhất?

Nhật Minh

(Dân trí) - Kính ở mỗi vị trí khác nhau trên ô tô có thể cùng hoặc khác loại, tùy mục đích và mục tiêu của nhà sản xuất; không phải loại nào cũng có thể dễ dàng bị phá vỡ bằng búa thoát hiểm.

Khó phá kính lái hơn kính bên

Với ô tô thông thường, kính lái (kính chắn gió phía trước) thường là loại có nhiều lớp (laminated), còn kính bên và cửa hậu thường là loại kính cường lực (tempered). 

Đúng như tên gọi, kính nhiều lớp dùng cho ô tô thông thường là loại có cấu tạo hai lớp kính, ở giữa là một lớp nhựa polyvinyl butyral (PVB) có vai trò hấp thụ lực tác động từ những va chạm mạnh.

Kính nhiều lớp có khả năng co giãn và uốn cong, nên trong trường hợp xảy ra tai nạn, các mảnh kính vỡ dính vào nhau khó gây thương tích. Thiết kế nhiều lớp còn giúp loại kính này giảm tiếng ồn và ngăn tia UV.

Dù độ bền cao hơn, nhưng kính nhiều lớp lại nhẹ hơn kính cường lực.

Thường được làm bằng kính nhiều lớp, kính lái không dễ phá (Video: Adventures for purpose).

Trong khi đó, kính cửa sổ và phía sau là loại cường lực, được tạo ra từ việc nung nóng các tấm kính thông thường và làm nguội nhanh. Kính cường lực có độ bền và khả năng hấp thụ xung lực cao gấp 5-10 lần kính thông thường, nhưng thấp hơn kính nhiều lớp.

Khi bị phá vỡ, kính cường lực bung thành các hạt rất nhỏ không sắc nhọn, tránh gây thương tích cho người ngồi trong xe. Kính cường lực thường được dùng cho các cửa xe và phía sau.

Kính cường lực có khả năng chịu lực tác động cao nếu bề mặt tiếp xúc lớn, còn với lực tác động trên bề mặt tiếp xúc nhỏ, kính dễ vỡ. Do đó, búa thoát hiểm cho ô tô có đầu thép nhỏ và nhọn.

Kính cửa sổ của ô tô có thể bị phá trong vài giây (Video: Adventures for purpose).

Nếu không có sẵn búa thoát hiểm, trong trường hợp khẩn cấp cần thoát ra ngoài, người ngồi trong ô tô có thể sử dụng các vật có đầu nhọn để đập kính, như kìm, tua-vít, dùng gót chân, thậm chí là giày cao gót…

Vì sao chỉ dùng loại nhiều lớp cho kính lái?

Với cửa sổ, việc dùng kính nhiều lớp sẽ giúp bảo vệ người ngồi bên trong xe tốt hơn, giảm nguy cơ văng ra ngoài trong các trường hợp va chạm bên hông xe, mặt khác giúp ngăn việc đập kính trộm cắp. Tuy nhiên, trong trường hợp nguy cấp cần đưa người từ trong ô tô ra ngoài, việc sử dụng kính nhiều lớp sẽ khiến việc phá kính mất nhiều thời gian hơn.

Trên một số mẫu xe đắt tiền, như Rolls-Royce hay Bentley, nhằm tăng độ an toàn và chất lượng cách âm nội thất, kính nhiều lớp cũng được dùng cho cửa bên, nhưng chỉ ở hàng ghế sau và kính hậu, còn phía trước vẫn là kính cường lực, để phòng trường hợp khẩn cấp.

Thông tin về chủng loại kính (nhiều lớp - "Laminated", hay cường lực - "Tempered") thường được ghi ở góc dưới của kính. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm