Kinh nghiệm lái xe từ tình huống thực tế:

Ô tô xoay 180 độ như "diễn xiếc" và bài học kinh nghiệm lái xe đường núi

Nhật Minh

(Dân trí) - Có vẻ như tài xế đã không kiểm soát tốt tốc độ và đánh lái quá đà khi ôm cua, dẫn tới tình trạng văng xe.

Tình huống được cho là diễn ra ngày 7/2 trên Quốc lộ 6, đoạn qua dốc Hang Voi, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Theo hình ảnh do camera hành trình của một ô tô khác lưu thông cùng chiều ghi lại, khi vừa qua một khúc cua, chiếc xe con đã bị trượt mất kiểm soát trên mặt đường trơn ướt, hết lạng sang phải lại lao sang trái, xoay 180 độ, rồi nằm nghiêng bên vệ đường.

Có vẻ như nguyên do là tài xế đã đánh lái quá đà khi ôm cua và không kiểm soát tốt tốc độ, dẫn tới tình trạng văng xe (Video: OFFB).

May mắn là sự việc diễn ra vào thời điểm đường khá vắng, không có xe nào ở làn đối diện, nên không xảy ra va chạm với phương tiện khác.

Tình huống trên đã cho thấy những nguy cơ tiềm ẩn khi lái xe trên đường núi trong điều kiện trời mưa, nhiều sương mù, đường trơn.

Để tránh nguy cơ bị mất lái như chiếc ô tô trong clip, các tài xế trước tiên cần chú ý bảo dưỡng xe, kiểm soát chất lượng của hệ thống phanh và lốp, kiểm tra cần gạt nước, cảm biến, áp suất lốp, nước làm mát, hệ thống chiếu sáng trên xe…

Khi lái xe trên đường, tài xế cần kiểm soát tốc độ, chú ý quan sát và giữ khoảng cách an toàn, chỉ vượt khi có đủ khoảng trống và tầm quan sát cần thiết. Ngay cả khi thấy đường vắng cũng không nên chạy quá tốc độ cho phép, bởi nếu gặp tình huống bất ngờ sẽ không kịp xử lý.

Nếu xe phía sau bấm còi hối thúc mà xe bạn đã đạt đến tốc độ giới hạn cho phép, hãy chủ động nhường đường.

Đặc điểm của đường đèo là nhiều khúc cua, thậm chí cua gắt, và phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra ở đây, vì xe có xu hướng lấn đường, vượt ẩu và chạy quá nhanh khi vào cua. Do đó, mỗi khi vào cua, người lái phải thật cẩn trọng, chú ý quan sát, giảm tốc độ, nhấn còi để báo hiệu cho các xe khác, đánh lái ôm cua tròn, không lấn sang phần đường ngược chiều và cũng không nên bám sát vạch kẻ tim đường. Tại những khúc cua, đoạn đường nhiều xe máy lưu thông, nếu lái xe bám sát vạch chia đường sẽ rất dễ xảy ra va chạm.

Khi xuống dốc, nếu không có kinh nghiệm, tài xế sẽ có xu hướng giữ phanh liên tục mà không biết rằng làm như vậy khiến phanh chịu áp lực rất lớn, dễ bị nóng, gây mòn má phanh, cháy phanh, mất phanh. Lời khuyên của các tài xế lâu năm là khi đổ đèo cần sử dụng phanh động cơ bằng cách chuyển xe về số thấp, chỉ đạp phanh dứt khoát trong tình huống cần thiết, không rà phanh lâu.

Lên dốc số nào xuống dốc số đó là nguyên tắc cơ bản mà tài xế cần nắm rõ. Hầu hết xe ô tô đời mới hiện nay được trang bị hệ thống số tự động thay vì số sàn, nhưng cả hai loại xe đều được hỗ trợ chức năng phanh động cơ khi xuống dốc.

Trên xe số tự động, ngoài số D, còn có các vị trí đã được đánh số 3-2-1 hay L, S, M dùng để phanh động cơ khi lái xe xuống dốc.

Khi xuống dốc, đổ đèo mà xe trôi nhanh ngoài ý muốn thì tài xế cần lập tức đạp phanh (không đạp chết phanh) và về số thấp hơn. Tuy nhiên, nếu chạy ở số quá thấp thì khi xuống dốc xe sẽ bị gằn, vòng tua máy lên cao, rất hại xe và khó điều khiển, lúc này nên chọn cấp số cao hơn.

Khi kiểm soát tốc độ bằng số, xe sẽ xuống dốc ổn định, khiến cho việc đổ đèo "nhàn" và an toàn hơn.

Khi xuống dốc mà gặp mặt đường trơn trượt, tài xế nên nhấp nhả phanh từ từ, thay vì đạp lút phanh, dễ dẫn tới hiện tượng bó phanh, mất lái, xe bị văng mạnh sang một bên.

Chúc các bạn lái xe an toàn!