Ô tô Trung Quốc ồ ạt về Việt Nam đầu năm 2022, có xe giá tới 3,7 tỷ đồng
(Dân trí) - Ngay trong tháng đầu năm, liên tiếp ba mẫu ô tô Trung Quốc được giới thiệu tới khách Việt, bao gồm xe hạng C Beijing U5 Plus, sedan cỡ trung Hongqi H9 và mẫu SUV điện Hongqi E-HS9.
Dù chưa có doanh số đáng kể như các thương hiệu Hàn Quốc hay Nhật Bản nhưng các thương hiệu ô tô Trung Quốc cũng đẩy mạnh hơn việc đưa sản phẩm về Việt Nam. Sau "hiện tượng truyền thông" Beijing X7 từ cuối năm 2020, một loạt xe Trung Quốc khác đã nối tiếp nhau về nước.
Beijing U5 Plus - sedan hạng C giá hạng B
Giá rẻ tiếp tục là "miếng đánh" của các dòng xe Trung Quốc trên đường chinh phục khách Việt. U5 Plus có kích thước dài, rộng, cao lần lượt là 4.660 x 1.820 x 1.480 mm, tức ngang ngửa Mazda3 hay KIA K3. Tuy nhiên trục cơ sở của mẫu xe Trung Quốc chỉ là 2.670mm, ngắn hơn khoảng 30mm so với các đối thủ.
Như vậy có thể tạm xếp Beijing U5 Plus vào phân khúc sedan hạng C. Mức giá được công bố từ 398 triệu đồng cho bản tiêu chuẩn, số sàn; xe số tự động có giá 468 triệu đồng và cao nhất là bản 498 triệu đồng. Như vậy giá bán của U5 Plus tương đương với dòng sedan hạng B như Hyundai Accent, Toyota Vios.
Thiết kế hào nhoáng và trẻ trung được Beijing khoác lên mẫu xe của mình. Ngoài ra còn là ngập tràn các tiện nghi như đèn full-LED tự động, cửa sổ trời, gạt mưa tự động, màn hình LCD 7 inch phía sau vô-lăng kết hợp cùng màn hình giải trí 12,3 inch, phanh tay điện tử với Auto Hold. U5 Plus bản cao nhất còn có camera 360 độ, cảnh báo điểm mù, chệch làn.
Kích thước bên ngoài to bằng dòng sedan hạng C nhưng trục cơ sở ngắn hơn nên hàng ghế hai của Beijing U5 Plus không thực sự rộng rãi. Xe cũng không có cửa gió điều hòa cho hành khách phía sau. Phiên bản thấp nhất chỉ có 2 túi khí, hai bản cao có 4 túi khí. Một điểm trừ khác là xe không có nút mở ở cốp mà phải dùng chìa khóa hoặc phím bấm trong xe.
Hongqi H9 - tham vọng cạnh tranh xe sang
Cuối 2021, một chiếc Hongqi H9 xuất hiện tại showroom tư nhân ở Hà Nội và được "hét giá" tới 9 tỷ đồng. Tuy nhiên đây có thể là chiêu trò truyền thông khi mới đây, xe được giới thiệu với giá từ 1,5 tỷ đồng và bản cao nhất tại Việt Nam là gần 2,7 tỷ đồng.
Áp đảo bằng thiết kế, thông số và các options, do đó việc phân hạng xe Trung Quốc có phần lỡ cỡ. Nếu xếp theo kích thước thì Hongqi H9 với "số đo" dài, rộng, cao lần lượt là 5.137 x 1.904 x 1.492 (mm) sẽ "chung mâm" với phiên bản trục cơ sở kéo dài của Mercedes-Benz E-Class hay Volvo S90 2022 mới ra mắt tại Việt Nam.
Còn từ phía giá bán, mẫu ô tô Trung Quốc này tương đương dòng xe ở phân khúc thấp hơn của các thương hiệu trên. Thiết kế của Hongqi H9 cũng gây tranh cãi khi không khó để nhận ra các đường nét vay mượn từ Mercedes-Maybach hay Rolls-Royce và có chút pha trộn của cả dòng xe Mỹ Cadillac.
Hongqi H9 được phát triển dựa trên khung gầm của Audi A6L, sử dụng máy 2.0L hoặc V6 3.0L. Thương hiệu Trung Quốc cũng không tiếc tay "nhồi nhét" thật nhiều màn hình cảm ứng và đèn nội thất, hàng dài danh sách trang bị.
Hongqi E-HS9 - ô tô điện hưởng ưu đãi phí trước bạ
Với chính sách miễn phí trước bạ cho ô tô điện trong 3 năm tới, thị trường xe điện tại Việt Nam hứa hẹn sẽ hấp dẫn hơn. Để đón đầu, Hongqi đã giới thiệu mẫu SUV thuần điện E-HS9 với giá bán từ 2,8 tỷ đồng và bản cao nhất lên đến 3,7 tỷ đồng. Model này có kích thước ngang ngửa Mercedes-Benz GLS hay BMW X7 nhưng giá bằng nửa.
Không khó để nhận ra phần đầu xe E-HS9 mang hình bóng của dòng Rolls-Royce, cản sau hơi giống Audi, trong khi nội thất sự pha trộn của Porsche, Mercedes. Xe được trang bị hàng loạt màn hình cảm ứng, các tiện nghi ngập tràn. Hongqi E-HS9 sử dụng 2 motor điện cho tổng công suất 550 mã lực, 750Nm, chạy tối đa 510km cho một lần sạc.
Nhà phân phối không đưa ra thông tin về việc triển khai hệ thống trạm sạc công cộng tại Việt Nam. Như vậy, việc sạc Hongqi E-HS9 sẽ phụ thuộc vào sạc cá nhân, bao gồm bộ sạc di động có thể mang theo xe và trụ sạc tại nhà, vốn mất nhiều thời gian để nạp đầy pin.
Trên mẫu xe trưng bày tại Việt Nam trong buổi ra mắt, Hongqi E-HS9 và H9 có giao diện với nhiều phần là tiếng Trung Quốc, gây nhiều bất tiện. Một số tính năng nâng cao cũng chưa hoạt động tốt tại Việt Nam.
Giá cạnh tranh nhưng khách Việt còn nhiều e dè
"Xe Trung Quốc gọi là rẻ nhưng chỉ là thấp hơn so với các dòng ô tô cùng hạng chứ việc bỏ ra nửa tỷ đồng hay 2-3 tỷ đồng cho một chiếc ô tô thì đó vẫn là khoản tiền lớn", Lê Đức Anh, một người sử dụng xe với hơn 10 năm kinh nghiệm, cho biết. "Ô tô không giống điện thoại vì đây là phương tiện giao thông, liên quan trực tiếp tới sức khỏe và an toàn của mình cũng như những người xung quanh, nên cần đặc biệt cân nhắc".
Trong khi đó, anh Nguyễn Đức Tuấn ở Ba Đình (Hà Nội) cho rằng sẽ cần thêm thời gian để ô tô Trung Quốc khẳng định chất lượng. "Công bằng mà nói thì nền công nghiệp, công nghệ của Trung Quốc hiện nay rất phát triển. Tuy nhiên trên một chiếc xe hơi sẽ cần tới rất nhiều công nghệ lõi, đặc biệt là vật liệu chế tạo khung gầm hay vận hành. Nếu chỉ hào nhoáng như những chiếc xe máy Trung Quốc trước kia thì chỉ vài năm là "tã" thôi".
Chị Lan Anh, cán bộ một ngân hàng ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) lại nhìn nhận chiếc ô tô trên cả phương diện thương hiệu. "Với cá nhân tôi, ô tô còn là sản phẩm để khẳng định bản thân nên vấn đề thương hiệu cũng rất quan trọng. Một nhà sản xuất lâu năm, uy tín, tính nhận diện cao sẽ đem lại sự tự tin nhất định cho người sử dụng".
Dưới góc độ của một chủ gara mua bán và sửa chữa ô tô cũ, anh Đức Việt (Nguyễn Xiển, Hà Nội) thì cho rằng không thể bỏ qua yếu tố hậu mãi. "Chẳng thiếu những hãng xe có tên tuổi trên thế giới đến Việt Nam một vài năm rồi lại rút lui, dù cam kết bảo hành 2 năm, 3 năm... Lúc đó khách hàng cần sửa chữa, bảo hành biết tìm đến ai. Chưa kể xe không phổ biến sẽ hiếm phụ tùng, thay thế đắt đỏ, bán lại thì mất giá".