Ô tô MG – Xe Anh Quốc, “ruột” Trung Quốc?
(Dân trí) - Ngoài sự hiện diện ở các logo ngoài xe, hai mẫu ô tô mới được MG đưa về Việt Nam có nhiều linh kiện của SAIC, công ty Trung Quốc đang sở hữu thương hiệu MG.
MG, thương hiệu xe khai sinh từ nước Anh nhưng nay thuộc quyền sở hữu của SAIC Motor, một công ty Trung Quốc. Hãng gần đây ra mắt thị trường Việt Nam hai mẫu xe HS và ZS. Không ít người quan tâm đặt câu hỏi: nên coi MG là xe Anh Quốc hay xe Trung Quốc?
Thương hiệu Anh hiện diện chủ yếu ở bề ngoài
Trong buổi giới thiệu sớm với truyền thông, thương hiệu xe Anh đã đưa người tham dự tới không gian đậm chất xứ sở sương mù, với các biểu tượng quen thuộc như bốt điện thoại đỏ, tháp đồng hồ Big Ben...
Trong các ấn phẩm truyền thông, xuyên suốt là sự xuất hiện của lá cờ Anh và những câu chuyện về một thương hiệu xe xuất hiện vào năm 1924, gắn liền với những kỷ lục đua xe thời bấy giờ.
Thực tế, qua quan sát của những khách trải nghiệm, logo MG chỉ xuất hiện tại 6 điểm trên xe, bao gồm 4 chụp la-zăng, 2 điểm trước sau và cùng với đó là hình tượng một hình ảnh lá cờ Anh đặt ở sau đuôi xe.
Còn lại, ngay từ bên ngoài, không khó để bắt gặp những chi tiết được "cộp mác" SAIC Motor. Điển hình như phần đèn trước và sau, khu vực khung động cơ, các chi tiết máy, ắc quy...
Rõ ràng, ngoài những chi tiết mang tính “nhận diện” bên ngoài, các thành phần chính tạo nên một chiếc xe của MG phần lớn mang thương hiệu SAIC Trung Quốc.
MG (Morris Garages) là thương hiệu Anh, xuất hiện đến nay đã ngót một thế kỷ. Năm 2005, MG về tay Nanjing Automobile - một hãng xe Trung Quốc. Đến năm 2007, công ty ô tô Trung Quốc khác là SAIC mua lại Nanjing và sở hữu luôn thương hiệu MG.
SAIC là liên doanh sản xuất và phân phối Volkswagen, GM - những thương hiệu đang có doanh số hàng đầu tại Trung Quốc. Khác với Volkswagen, GM hay một số thương hiệu liên doanh khác, MG là thương hiệu thuộc quyền sở hữu của công ty này. Bên cạnh đó, SAIC còn bán xe dưới nhiều thương hiệu khác như Maxus, Roewe,…
MG có thứ mà các xe Trung Quốc khác đang thiếu
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Mạnh Thắng, MG giải quyết được câu chuyện nhiều người "ngại" thương hiệu Trung Quốc: "Về bản chất, MG là xe Trung Quốc nhưng do mang thương hiệu Anh Quốc nên người dùng sẽ có cảm giác mình đang sở hữu một mẫu xe tới từ châu Âu".
"Trào lưu xe Trung Quốc nở rộ tại Việt Nam đến nay cũng đã được hơn vài năm, chất lượng xe phần nào cũng đã được kiểm chứng. Khi đã không còn nghi ngờ về chất lượng nữa, điều người tiêu dùng lăn tăn chỉ còn là logo xe nữa thôi", anh Thắng chia sẻ thêm.
Là thành viên tích cực của Hội Yêu Ô tô Trung Quốc, anh Lê Tùng Anh ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho rằng, xe Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam giúp lấp đầy thị trường ở phân khúc giá từ 700-800 triệu.
"Trước khi xe Trung Quốc xuất hiện, phân khúc này tại Việt Nam không có nhiều lựa chọn xe gầm cao. Giờ đây, với cùng số tiền bỏ ra, người tiêu dùng có thể nghĩ tới những mẫu xe Trung Quốc ở hạng cao hơn với nhiều trang bị hơn", anh nói.
Quay trở lại với câu chuyện của ô tô MG, anh Tùng Anh chỉ ra một điểm bất cập. "Ai cũng kỳ vọng dòng xe này sẽ có giá bán dễ chịu so với mặt bằng chung nhưng thực tế để sở hữu hai mẫu xe của MG thì số tiền ngang ngửa với các dòng xe đã có thương hiệu tại Việt Nam".
Thực tế, giá bán cả hai mẫu xe mới của MG cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ trong phân khúc. MG HS phiên bản 1.5L Sport ngang với Hyundai Tucson 2.0L tiêu chuẩn, cả động cơ và danh sách trang bị của hai mẫu xe là tương đồng với nhau.
Lên đến phiên bản cao cấp nhất MG HS 2.0 AWD Trophy giá 999 triệu đồng, mẫu này trực tiếp đối đầu với cái tên liên tục giữ top phân khúc C-SUV là Honda CR-V. Còn MG ZS 1.5 AT tiêu chuẩn tuy có giá bán thấp nhưng thiếu hụt nhiều trang bị.
"Thương hiệu góp phần khẳng định chất lượng, độ bền, công năng của một chiếc ô tô. Tuy nhiên, người dùng cũng đừng vì thế mà chọn xe một cách "mù quáng", nên có những trải nghiệm và đánh giá thực tế để tìm được mẫu xe ưng ý", một chuyên gia khác trong ngành xe nói.