Nổi bật tuần qua: Toàn cảnh thị trường ô tô gói gọn trong những con số
(Dân trí) - Tuần vừa qua là thời điểm các hãng công bố thống kê doanh số của tháng 4, cho thấy thị trường ô tô Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi về "khẩu vị".
Các vị trí dẫn đầu không còn là đặc quyền của xe Nhật
Thống kê doanh số tháng 4 cho thấy, ở những phân khúc mà trước đây mặc định ngôi vương thuộc về xe Nhật, giờ đã được thay thế bằng xe Hàn.
Cụ thể, ở phân khúc xe hạng B, vị thế tưởng như độc tôn của Toyota Vios đã bị Hyundai Accent chiếm mất, gia tăng khoảng cách lên 200 xe, so với mức 123 xe của tháng 3. Sự xáo trộn lớn hơn nằm ở hai vị trí tiếp theo, khi Mitsubishi Attrage lần đầu tiên vượt Honda City, vươn lên đứng thứ 3.
Trong khi đó, ở phân khúc xe gầm cao đô thị (miniSUV) tiếp tục ghi nhận sự áp đảo của Kia Seltos trước đối thủ Nhật Bản Toyota Corolla Cross, với doanh số 1.318 xe so với 940 xe.
Ở phân khúc SUV và CUV 7 chỗ, cả Hyundai SantaFe và Kia Sorento đều có doanh số ấn tượng trong tháng 4 vừa qua. Các mẫu xe Nhật như Toyota Fortuner, Mazda CX-8 hay Mitsubishi Pajero Sport dù có tăng trưởng so với tháng 3 nhưng vẫn không theo kịp các đối thủ Hàn Quốc.
Trong khi đó, ở phân khúc xe hạng A giá rẻ, ngôi sao vẫn là VinFast Fadil và Hyundai Grand i10, vượt xa các đối thủ Kia Morning, Toyota Wigo, Honda Brio.
Phân khúc xe bán tải và xe đa dụng (MPV) không có xáo trộn lớn. Ford Ranger vẫn luôn là xe bán tải bán chạy nhất, còn Mitsubishi Xpander chưa hề bị Toyota Innova đe dọa ngôi vương ở phân khúc MPV.
Trong bảng xếp hạng các mẫu xe bán chạy nhất toàn thị trường trong tháng 4, dẫn đầu là Hyundai Accent, rồi lần lượt tới Toyota Vios, VinFast Fadil, Mitsubishi Xpander và Ford Ranger.
"Tượng đài" Vios được bán dưới giá đề xuất
Trong bối cảnh Toyota Vios đang bị các đối thủ tạm dẫn trước, một số showroom đã áp dụng chương trình giảm giá, đồng thời tặng thêm bảo hiểm thân vỏ và gói phụ kiện cho khách mua xe.
Cụ thể, một đại lý Toyota ở Vĩnh Phúc chào bán mẫu Vios 2021 bản 1.5G CVT với giá 561 triệu đồng, rẻ hơn 20 triệu đồng so với mức giá niêm yết của hãng. Ngoài ra, khách mua xe trong tháng 5 còn được tặng 1 năm bảo hiểm vật chất trị giá khoảng 11 triệu đồng.
Tương tự, showroom Toyota ở Hà Đông (Hà Nội) áp dụng mức giảm 15 triệu đồng cho mẫu Vios 2021 bản 1.5E CVT xuống còn 516 triệu đồng. Ngoài bảo hiểm thân vỏ, đơn vị này còn tặng khách gói phụ kiện trị giá khoảng 10 triệu đồng.
Từng là "vua" doanh số tại Việt Nam, nhưng tình hình dịch bệnh, sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, cộng với sự gián đoạn nguồn cung trong hai tháng đầu năm do chờ bản nâng cấp ra mắt vào cuối tháng 2 đã khiến Vios bị tụt lại sau đối thủ Hyundai Accent trong mấy tháng gần đây. Tuy nhiên, với sự chủ động điều chỉnh giá bán tại các đại lý kèm theo các chương trình ưu đãi của hãng, Vios hoàn toàn có thể giành lại "ngôi vương" tại Việt Nam.
Phân khúc MPV mất đi một đối thủ
Phân khúc MPV gia đình vốn đã không mấy đa dạng tại Việt Nam sẽ bớt đi một lựa chọn là Ford Tourneo. Mẫu xe này sẽ không còn được lắp ráp tại Việt Nam từ giữa năm nay, trong khi đối thủ Kia Sedona có thể sắp tung phiên bản mới.
Những chiếc Tourneo đã bán ra sẽ vẫn được bảo hành và chính sách dịch vụ từ Ford.
Theo giới phân tích, kiểu dáng vuông vức theo kiểu thực dụng khiến Ford Tourneo khó hợp mặt phần đông khách hàng Việt. Thêm vào đó, mẫu xe này chỉ có động cơ xăng EcoBoost 2.0L mà không có bản máy dầu, trong khi đây là lựa chọn khối khách hàng doanh nghiệp vốn ưu tiên chi phí vận hành.
Doanh số năm 2020 của Ford Tourneo chỉ đạt 340 chiếc và trong cả quý 1 năm nay chỉ có 44 xe giao tới tay khách hàng.
Thị trường đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung xe
Tình trạng thiếu hụt linh kiện, chủ yếu là chíp bán dẫn đang khiến hàng loạt thương hiệu ô tô lớn trong nước gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất. Nhiều hãng thông báo sẽ phải giao xe trễ tới 1-2 tháng.
Cụ thể, Mitsubishi Việt Nam và Suzuki Việt Nam đều đã thông báo cho các đại lý về việc chậm giao xe. Trong khi đó, cả Honda, Ford và BMW đều thể hiện sự quan ngại về tình trạng ngày càng xấu đi khi thiếu linh kiện bán dẫn trên toàn cầu.
Do đó, người tiêu dùng bắt đầu lo ngại rằng ngoài việc phải chờ đợi lâu, các mẫu xe hot có thể sẽ tăng giá, thậm chí tái diễn tình trạng bán xe kiểu "bia kèm lạc".