Những thói quen nguy hiểm khi lái xe đi chơi xa

Nhật Minh

(Dân trí) - Bên cạnh việc chuẩn bị xe, bạn cũng cần lưu ý loại bỏ một số thói quen xấu để tránh rủi ro khi lái xe đường dài đi chơi xa.

Đeo tai nghe khi lái xe

Thay vì sử dụng tai nghe khiến bạn dễ bị "ngắt kết nối" với thế giới bên ngoài, nếu cần nghe nhạc, hãy dùng hệ thống âm thanh trên xe và chỉnh âm lượng ở mức bạn vẫn có thể nghe thấy tiếng còi xe hoặc tiếng động thông thường bên ngoài.

Trong trường hợp không muốn dùng loa trên xe, để đảm bảo sự riêng tư của cuộc gọi hoặc nghe nhạc mà không gây ảnh hưởng đến những người khác trên xe, hãy dùng tai nghe bluetooth một bên.

Lái xe khi đã uống rượu, bia

Những thói quen nguy hiểm khi lái xe đi chơi xa - 1

Hãy nhớ nguyên tắc: "Đã lái xe thì không uống rượu, bia. Nếu uống rượu, bia thì không lái xe" (Ảnh: Carscoops).

Đừng bao giờ chủ quan nghĩ rằng chỉ uống một ly nhỏ sẽ không ảnh hưởng tới khả năng điều khiển xe. Trên thực tế, việc lái xe sau khi uống rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. 

Dù chỉ với một lượng nhỏ, rượu, bia có thể khiến người lái mất tập trung, xử lý không chính xác, vô thức chạy xe với tốc độ cao, dẫn tới nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. 

Lái xe trong tình trạng mệt mỏi

Ngay cả những người cầm lái lâu năm cũng thừa nhận rằng, đôi khi vì chủ quan mà rơi vào tình trạng ngủ tạm thời sau vô lăng, còn gọi là "giấc ngủ trắng". Đó là khi cơ thể đã mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi để nạp năng lượng, tài xế vẫn điều khiển vô lăng nhưng rơi vào trạng thái ngủ, dù mắt vẫn mở, sau đó có thể thiếp đi bất cứ lúc nào.

Trong tình huống như vậy, có tài xế may mắn kịp choàng tỉnh khi chưa xảy ra nghiêm trọng, nhưng cũng có những tài xế ngủ gật lao thẳng xe vào đầu xe chạy ngược chiều, gây tai nạn nghiêm trọng.

Tài xế có xu hướng buồn ngủ khi lái xe đường dài ở những đoạn đường thẳng và vắng (thường là đường cao tốc, quốc lộ), hoặc lái xe vào các khoảng thời gian nhịp sinh học của cơ thể đòi nghỉ ngơi (từ 10h tối đến 5h sáng hoặc từ 13h đến 15h chiều, đặc biệt là sau bữa cơm trưa). 

Những thói quen nguy hiểm khi lái xe đi chơi xa - 2

Hình ảnh do camera bên trong ô tô ghi lại khoảnh khắc một tài xế ngủ gật sau tay lái.

Để tránh việc lái xe trong tình trạng mệt mỏi, hãy cố gắng ngủ đủ (7-9 tiếng) trước mỗi chuyến đi dài và đừng chỉ vội đến đích. Nhiều người cố tối đa hóa kỳ nghỉ cuối tuần bằng cách lái xe vào buổi tối hoặc không dừng giữa đường để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tài xế tỉnh táo và lái xe an toàn. 

Bạn cần nghỉ ngơi sau khi lái xe khoảng 150 km hoặc 2 tiếng. Hãy làm gì đó để tỉnh táo, lấy năng lượng, như ăn nhẹ, đổi lái hoặc đi bộ, chạy quanh xe 5-10 vòng, vận động cơ thể để lấy lại sự tỉnh táo.

Không cài dây an toàn

Dây an toàn là bộ phận tuy nhỏ nhưng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe. Nó được thiết kế để giữ chặt người ngồi ghế khi không may xảy ra va chạm, thay vì lao lên phía trước, đập vào các bộ phận cứng trên xe, như kính chắn gió, vô-lăng, bảng đồng hồ, cửa sổ, lưng ghế trước..., hoặc thậm chí là văng ra khỏi xe. 

Những thói quen nguy hiểm khi lái xe đi chơi xa - 3

Sử dụng chốt cài dây an toàn giả, hoặc cài dây an toàn ra sau lưng là việc làm khá phổ biến của nhiều người, để đối phó với tiếng "bíp" liên tục phát ra từ trên xe nhắc cài dây an toàn (Ảnh: Reader's Digest).

Việc cài dây an toàn không chỉ cần thiết cho người ngồi ghế trước, mà cả cho người ngồi hàng ghế sau. Ít người chú ý rằng, nếu không cài dây an toàn, người ngồi ở ghế sau có thể làm thương, thậm chí giết chết người ngồi ghế trước, khi xảy ra va chạm, vì theo quán tính, người ngồi sau sẽ lao mạnh về phía trước, đẩy người ngồi trước vào sát vô-lăng hơn.

Đi quá sát xe phía trước

Những vụ tai nạn liên hoàn nghiêm trọng thường là do các xe không giữ khoảng cách an toàn đúng chuẩn. Việc lái xe quá gần chiếc xe phía trước sẽ khiến bạn không phanh hoặc bẻ lái kịp để tránh khi chiếc xe đó đột ngột đi chậm hoặc dừng lại.

Lái xe quá nhanh hoặc quá chậm

Tốc độ phương tiện càng cao, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông càng lớn. Ngoài ra, tốc độ cao làm tăng nguy cơ chấn thương cho cả người ngồi trên xe lẫn các phương tiện khác trên đường.

Tuy nhiên, việc lái xe quá chậm cũng không an toàn. Khi bạn lái xe đường dài, sẽ khó tránh việc đi vào đường cao tốc, nơi có cả quy định về tốc độ tối thiểu. Nếu xe bạn đi quá chậm trên đường cao tốc thì sẽ có nguy cơ bị húc đuôi, hoặc va quệt do xe phía sau tăng tốc, chuyển làn để vượt lên. Do đó, nếu bạn lái chưa vững, đừng liều lĩnh lái xe đường dài.

Vừa ăn vừa lái xe

Vì muốn tiết kiệm thời gian, nhiều người không dừng xe để ăn nhẹ, thậm chí cả với bữa chính, mà chọn giải pháp vừa lái xe vừa ăn.

Tuy nhiên, đây là một thói quen cần bỏ. Không chỉ ảnh hưởng xấu đến dạ dày, việc vừa ăn vừa lái xe còn dễ gây xao nhãng cho tài xế, từ đó gây ra những tai nạn đáng tiếc.

Lái một chiếc xe không được bảo dưỡng định kỳ 

Bảo dưỡng kiểm tra định kỳ sẽ đảm bảo an toàn và tính ổn định của ô tô, đặc biệt là những chiếc xe đã quá cũ. Bạn có thể kịp thời phát hiện và khắc phục được sự cố rò rỉ chất làm mát, sự cố phanh, lốp… nếu bảo dưỡng xe định kỳ, từ đó đảm bảo an toàn trên mỗi hành trình.

Nóng giận mất kiểm soát 

Quá mệt mỏi hoặc căng thẳng sẽ khiến tài xế dễ trở nên hung hăng, khó bỏ qua những khó chịu, mâu thuẫn giao thông, như tắc đường hoặc va chạm, dẫn tới nguy cơ cãi vã, đánh lộn.

Trên đây là những thói quen nguy hiểm không chỉ khi bạn lái xe đi chơi xa, mà cả khi đi lại hàng ngày trong thành phố. Hãy tập từ bỏ chúng vì sự an toàn của bản thân và những người xung quanh.

Chúc các bạn lái xe an toàn và có những chuyến đi vui vẻ bên gia đình và bạn bè!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm