Những mẫu xe có công cứu cả một thương hiệu ô tô
(Dân trí) - Nếu không có những mẫu xe này, một số thương hiệu lẫy lừng như Bentley, BMW hay Porsche có thể đã không còn tồn tại cho tới ngày nay.
Tác động của đại dịch Covid-19 tới ngành công nghiệp ô tô khiến người ta liên tưởng tới một số cuộc khủng hoảng tài chính trước đây từng đẩy nhiều nhà sản xuất ô tô đến bờ vực phá sản.
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu gần đây nhất đã khiến hai tượng đài của ngành công nghiệp ô tô Mỹ là Chrysler và GM phải làm thủ tục bảo hộ phá sản. Trong khi đó, một loạt thương hiệu khác, như Pontiac, Plymouth, Oldsmobile, và Mercury đã bị xóa sổ hoàn toàn. Nhiều nhà sản xuất ô tô được cứu nhờ vào một mẫu xe đến đúng thời điểm.
Ford Taurus
Thật khó tin rằng ngay cả những "cây đại thụ" của ngành công nghiệp ô tô như Ford cũng từng lâm vào cảnh khủng hoảng tài chính. Vào những năm 1980, thị trường sedan cỡ trung cực thịnh, và Ford khi đó có mẫu LTD dẫn động cầu sau. Tuy nhiên, mẫu xe này không đấu lại các đối thủ cạnh tranh, và Ford nhận ra rằng họ đang để mất quá nhiều tiền. Hãng đã nhanh chóng thay nó bằng mẫu Ford Taurus dẫn động cầu trước vào năm 1986.
Taurus thế hệ đầu tiên đã cực kỳ thành công và nhanh chóng giúp Ford lấy lại vị trí trên "mâm cỗ" sedan cỡ trung. Taurus thế hệ thứ hai trở thành mẫu xe bán chạy nhất nước Mỹ. Kế đến, phiên bản SHO "cool ngầu" được giới thiệu.
Porsche Boxster
Porsche từng rơi vào khủng hoảng hồi thập niên 90, với doanh số sụt giảm từ mức 50.000 xe của năm 1986 xuống chỉ còn 14.000 xe vào năm 1993. Lãnh đạo hãng xe Đức nảy ra ý tưởng giới thiệu một mẫu xe giá rẻ hơn và đó chính là Porsche Boxster, song hành cùng dòng 911.
Nhìn vào thành công rực rỡ của mẫu xe thể thao giá rẻ Mazda MX-5, Porsche quyết định nhập cuộc với mẫu Boxster. Hãng đã chính thức ra mắt mẫu 986 Boxster vào năm 1996, sau khi đã giới thiệu bản concept vào năm 1993. Porsche đã học cách tiết kiệm chi phí phụ tùng của Toyota, và đến nay Boxster vẫn là mẫu xe rẻ nhất của Porsche.
Dodge Aries/Plymouth Reliant
Chrysler từng rơi vào khủng hoảng tài chính hồi cuối thập niên 70. Tình trạng trở nên tồi tệ khi các vấn đề về chất lượng với dòng xe F-series của hãng dẫn tới một chiến dịch bảo hành triệu hồi xe tốn kém chưa từng có. Đứng trước nguy cơ phá sản, Chrysler phải thuê cựu chủ tịch Ford - ông Lee Iacocca vào năm 1978 để thuyết phục chính phủ cho hãng làm thủ tục bảo hộ phá sản. Việc đầu tiên là thay thế các mẫu dùng cơ sở gầm bệ F-series bằng dòng K-series trên các mẫu Dodge Aries/Plymouth.
Với chất lượng xuất sắc, dòng xe Dodge Aries/Plymouth Reliant bắt đầu có mặt trên thị trường vào năm 1981. Việc sử dụng cơ sở gầm bệ K-series đã tiết kiệm cho hãng một khoản không nhỏ và giúp Chrysler nhanh chóng lấy lại phong độ, sau đó còn mua lại thương hiệu AMC và Jeep.
Volkswagen Golf MKI
Câu chuyện của mẫu Volkswagen Golf lại bắt đầu bằng Volkswagen Beetle, một trong những mẫu xe bán chạy nhất và là biểu tượng của hãng. Vào đầu thập niên 70, Volkswagen đã có khá nhiều phép thử thay thế, trong đó có mẫu hatchback Type 4, mang mã EA266, với 50 chiếc nguyên mẫu được sản xuất.
Tuy nhiên, lãnh đạo mới của Volkswagen là ông Rudolph Leiding đã đầu tư vào một dòng sản phẩm hoàn toàn mới, mở đầu bằng mẫu Passat, rồi sau đó tới Golf MKI. Mẫu xe này lập tức gây sốt. Volkswagen trang bị cho xe cơ sở gầm bệ dẫn động cầu trước và động cơ I4.
Volvo XC90
Volvo XC90 đã cứu thương hiệu ô tô Thụy Điển hẳn hai lần. Đầu tiên là vào năm 2002, khi hãng còn thuộc sở hữu của Tập đoàn Ford, Volvo chỉ có các mẫu station wagon và sedan cổ lỗ sĩ trong danh mục sản phẩm, nhưng sau đó đã quyết định tập trung vào xe thương mại. Mẫu XC90 thành công ngay từ khi mới ra mắt và đã giành giải Xe của năm tại Bắc Mỹ do tạp chí Motor Trend bình chọn vào năm 2003.
Đến năm 2010, Volvo được chuyển nhượng từ Ford sang tập đoàn ô tô Trung Quốc Geely. Công ty đã mang đến cho Volvo một cơ sở gầm bệ mới, dẫn tới việc dùng động cơ Drive-E mới, trong đó có hybrid, thiết kế ngoại thất mới, và XC90 là "quả ngọt" đầu tiên. XC90 bán rất chạy tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, mang lại lợi nhuận không nhỏ cho Volvo.
Aston Martin DB7
Aston Martin lâm vào cảnh khó khăn về tài chính trong suốt thập niên 80 và đầu thập niên 90. Năm 1988, Ford nhảy vào nỗ lực giải cứu Aston Martin khỏi nguy cơ phá sản bằng việc giới thiệu mẫu DB7.
Ban đầu được dự định là mẫu xe kế nhiệm Jaguar XJS, nhưng DB7 đã được thiết kế trông ra chất Aston và trở thành một mẫu xe giá rẻ mới, định vị dưới Virage. Cuối cùng, Jaguar mượn các chi tiết từ Citroën, Ford, và Mazda để hoàn thành thiết kế. DB7 đã lập tức gặt hái thành công, giúp khẳng định Aston Martin là một thương hiệu xe sang và phong cách.
Lotus Elise
Vào cuối thập niên 90, Lotus chấp chới. Từ sau sự ra đi của nhà sáng lập Colin Chapman vào năm 1982 và nhiều thay đổi trong bộ máy quản lý, thương hiệu xe thể thao Anh Quốc này đứng trước nguy cơ giải tán, cho đến khi mẫu Elise ra đời. Trước đó, Lotus đã thử dùng mẫu Elan dẫn động cầu trước làm phao cứu sinh, nhưng bất thành.
Mẫu Elise hội đủ những thế mạnh của Lotus, như dùng hệ dẫn động cầu sau, có trọng lượng xe và mang lại cảm giác lái thú vị. Elise đã đưa thương hiệu Lotus trở lại quỹ đạo. Lotus Elise là một chiếc xe đặt cảm giác lái lên làm ưu tiên số 1.
Bentley Continental GT
Bentley chỉ bán được trung bình 1.000 xe mỗi năm trước khi mẫu Bentley Continental GT trong danh mục sản phẩm của hãng vào năm 2003. 5 năm sau khi về dưới mái nhà Volkswagen, hãng cần phải có một sản phẩm thành công, và Bentley Continental GT 2003 đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đó.
Nhờ thiết kế coupe bóng bẩy, động cơ W12 6.0L tăng áp kép, và cabin 4 chỗ ngồi, Bentley Continental GT đắt hàng tới mức hãng sản xuất không kịp để bán.
BMW 700
Thật khó tin rằng một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới như BMW cũng từng có nguy cơ đóng cửa. Sau Thế chiến thứ 2, Đức cấm sản xuất ô tô, nhưng vào năm 1952, BMW bắt đầu sản xuất xe trở lại.
Tuy nhiên, tình hình tệ tới mức suýt chút nữa BMW đã bị Mercedes thâu tóm. Sau đó, BMW cho ra đời mẫu xe 700 với kích thước nhỏ, động cơ đặt sau và lập tức gặt hái thành công.
Mẫu BMW 700 khi đó nổi tiếng với tính năng vận hành xuất sắc và dễ bảo dưỡng, sửa chữa.
Mercedes 300SL
Nhiều nhà máy đã bị phá hủy sau Thế chiến thứ 2, và các mẫu xe ra đời từ trước chiến tranh đã quá lỗi thời để có thể cạnh tranh với các mẫu xe mới. Năm 1952, nhận được tín hiệu vui từ Rudolf Uhlenhaut, người đã "thai nghén" dòng xe đua W194 từng giành chiến thắng tại giải 24 Hours of Le Mans danh giá.
Dù vậy, Mercedes đã cho ra đời 300SL, một trong những mẫu xe đẹp nhất của Mercedes. Nó được trưng bày tại Triển lãm ô tô New York 1954 và sau đó đi vào sản xuất vào năm 1955.
300SL có cả bản coupe với cửa mở lật cánh chim, và bản mui trần. Mẫu xe thể thao này đã thành công rực rỡ và mở đường cho Mercedes trở lại với thị trường Mỹ đầy hứa hẹn.