Nhiều mẫu xe bán tải không bị áp phí ra biển 20 triệu đồng
(Dân trí) - "Xe con pick-up" mới được bổ sung vào hạng mục xe chở người từ 9 chỗ trở xuống và bị áp mức thu lệ phí cấp biển 20 triệu đồng, thay vì mức 500.000 đồng như xe bán tải, khiến nhiều người thắc mắc.
Thay đổi lớn nhất trong Thông tư số 60/2023/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 7/9/2023 là có thêm "xe con pick-up" vào trong nhóm xe con dưới 9 chỗ, bị áp mức thu lệ phí cấp biển cao nhất - 20 triệu đồng - tại Hà Nội và TPHCM.
Vậy đây là loại xe gì, có phải xe bán tải nói chung hay không?
Theo bộ tiêu chuẩn TCVN 7271.2003, xe con pick-up là xe chở người có đặc điểm khác với ô tô chở hàng pick-up cabin kép nêu tại mục 3.2.8.
Trong khi đó, mục 3.2.8 định nghĩa ô tô chở hàng pick-up cabin kép là xe có khoang chở hàng dạng hở (có thể có mui phủ) hoặc dạng kín, có thể liền hoặc không liền thân với cabin, có bố trí cửa để xếp dỡ hàng; trong cabin có bố trí hai hàng ghế; có diện tích hữu ích của sàn khoang chở hàng không nhỏ hơn 1m2; và có khối lượng chuyên chở bao gồm cả người và hàng hóa từ 950kg trở lên.
Như vậy, các loại xe bán tải phổ biến tại Việt Nam như Ford Ranger, Isuzu D-Max, Mazda BT-50, Mitsubishi Triton, Nissan Navara, hay Toyota Hilux đều là xe tải, chứ không phải "xe con pick-up", nên chỉ bị áp lệ phí cấp biển là 500.000 đồng tại Hà Nội và TPHCM, còn ở các khu vực khác vẫn là mức 150 nghìn đồng.
Trên giấy đăng ký phương tiện, phòng CSGT xếp loại các mẫu xe kể trên là "pick-up cabin kép", tức là xe tải (đeo biển C), có niên hạn sử dụng 25 năm kể từ đăng ký lần đầu.
Vậy những xe nào ở Việt Nam được xếp loại là "xe con pick-up"?
Đó là các loại xe có thiết kế bán tải (pick-up) nhưng không phải xe tải, ví dụ như Ford F-150 hoặc Ram 1500. Các xe này thường có khối lượng chuyên chở cả người và hàng dưới 950 kg. Ngoài tải trọng, một điểm nữa để phân biệt giữa xe con pick-up và xe bán tải thông thường là hệ thống giảm xóc.
Xe con pick-up thường có thiết kế to lớn, nặng, được trang bị giảm xóc đa liên kết như xe chở người, trong khi xe bán tải thông thường dùng giảm xóc lá nhíp.