Muôn kiểu trốn phí tắc đường của tài xế ở Mỹ

Phạm Trung Đức

(Dân trí) - Các "mẹo" mà nhiều tài xế ở New York đang áp dụng để không phải nộp phí tắc đường rất sáng tạo, nhưng đều bất hợp pháp.

New York mới đây đã trở thành thành phố đầu tiên tại Mỹ áp dụng thu phí tắc nghẽn đối với xe đi vào các khu vực đông đúc, hay còn gọi là phí tắc đường.

Muôn kiểu trốn phí tắc đường của tài xế ở Mỹ - 1

Thành phố New York sử dụng hệ thống máy đọc biển số và thu phí tự động E-ZPass (Ảnh: Getty Images).

Theo đó, hầu hết tài xế sẽ phải trả phí 9 USD (khoảng 228.000 đồng) khi lái ô tô di chuyển vào khu vực kinh doanh trung tâm của Manhattan, trải dài từ Phố 60th đến đầu phía nam của Khu Tài chính.

Đây là mức phí cao nhất, áp dụng trong khung giờ 5-9h các ngày trong tuần và 9-21h vào cuối tuần. Ngoài các khung giờ này, mức phí giảm 75% xuống còn 2,25 USD (57.000 đồng).

Trong khi đó, xe tải nhỏ và xe buýt nội đô sẽ phải trả phí 14,4 USD (365.000 đồng) để đi vào Manhattan vào giờ cao điểm, và 3,6 USD (91.000 đồng) vào giờ thấp điểm.

Xe tải cỡ lớn và xe buýt du lịch sẽ phải trả mức phí 21,6 USD (548.000 đồng) vào giờ cao điểm, và 5,4 USD vào giờ thấp điểm. Người đi xe máy sẽ phải trả 4,5 USD (114.000 đồng) vào giờ cao điểm và 1,05 USD (27.000 đồng) vào giờ thấp điểm.

Xe công vụ và xe cấp cứu, cứu hỏa, trường hợp khẩn cấp, lái xe có thu nhập thấp, xe buýt đưa đón học sinh và xe buýt công cộng, người có tình trạng sức khỏe không thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng được miễn phí.

Tuy nhiên, mọi thứ không diễn ra suôn sẻ như cơ quan chức năng mong đợi. Một số tài xế đã nghĩ ra những cách đầy sáng tạo, nhưng bất hợp pháp, để trốn phí tắc đường. Thậm chí, họ còn muốn phổ biến rộng rãi những thủ thuật này cho các tài xế khác, nên chia sẻ lên mạng xã hội.

Từ dùng phân chim đến các thiết bị giống trong phim James Bond

Theo New York Times, các tài xế ở thành phố New York đã né phí tắc đường bằng các phương pháp từ công nghệ thấp nhưng hiệu quả cho đến công nghệ cao, với các thiết bị tinh vi. Họ xịt bẩn lên biển số, dán phim phản quang, hoặc thậm chí cạo một số chữ và số để camera không đọc được biển. Một số sử dụng biển số giả hoặc dán băng dính, dán che biển số.

Trên mạng, các tài xế chia sẻ hàng loạt mẹo tránh camera thu phí, như đi qua một tuyến đường xuyên bãi đỗ xe giữa phố 60th và phố 61th, hay các mẹo che biển số như phun bẩn hoặc trét phân chim, thậm chí mua thiết bị che biển số chỉ với một nút bấm.

Tăng cường phát hiện xe "ma"

Với doanh thu dự kiến đạt khoảng 500 triệu USD mỗi năm, ngân sách có thể được bổ sung khá nhiều. Tuy nhiên, cơ quan chức năng lo ngại thất thu do sự gia tăng của xe "ma", những phương tiện không thể theo dõi được bằng camera và máy đọc biển số xe, do biển số xe bị thay đổi hoặc giả mạo.

Để giải quyết tình trạng này, trong 3 năm qua, hơn 20.000 xe "ma" đã bị tịch thu, trong đó riêng năm 2024 có hơn 7.500 xe bị Sở Cảnh sát New York và Sở vệ sinh tịch thu. Ông Michael Kemper, giám đốc an ninh của Cơ quan Quản lý Giao thông đô thị (MTA), cho biết đã có 700 vụ bắt giữ trong các cuộc trấn áp trốn phí vào năm 2024.

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng còn vượt xa việc doanh thu bị mất. Các quan chức thực thi pháp luật cảnh báo rằng xe "ma" thường liên quan đến các tội phạm bạo lực, bao gồm cả xả súng và cướp bóc. Bằng cách loại bỏ những chiếc xe này khỏi đường phố, thành phố không chỉ bảo vệ ngân sách mà còn giải quyết một vấn đề an toàn công cộng rất nghiêm trọng.

Theo The New York Times