Mua xe sang cũ: Cẩn thận "một tiền gà ba tiền thóc"
(Dân trí) - Với vài trăm triệu đồng, người dùng có thể sở hữu những chiếc xe sang trên dưới 10 năm tuổi, tuy nhiên chi phí bảo dưỡng, vận hành những mẫu ô tô này không hề rẻ.
Chỉ phải bỏ ra số tiền bằng khoảng 30% giá trị ban đầu, khách hàng đã có cơ hội sở hữu những mẫu xe sang cũ, từng được bán với giá lên tới vài tỉ đồng. Tuy nhiên, để đổi lấy "chất sang" ấy, trong một số trường hợp chi phí bảo dưỡng, chăm sóc xe lại hơn cả tiền mua xe.
Thị trường xe sang cũ sôi động
Lướt một vòng thị trường xe sang cũ tại Hà Nội, không khó để bắt gặp những mẫu có giá vài tỷ đồng một thời, nay được rao bán chỉ khoảng vài trăm triệu. Tùy vào dòng xe, chất lượng, quãng đường lăn bánh, số năm sử dụng... mà giá trị của mỗi chiếc xe ở thời điểm hiện tại bằng khoảng 30-50% so với xe lúc mới.
Để đập hộp và lăn bánh chiếc Mercedes-Benz GLK 250 4Matic vào năm 2014, khách hàng phải ra số tiền ngót 2 tỷ đồng. Sau 6 năm, mẫu xe này đang được rao bán qua showroom tư nhân với mức giá chỉ khoảng hơn 900 triệu đồng, chưa tới 50% giá trị ban đầu.
Với số tiền này, người dùng có thể lựa chọn những mẫu SUV - crossover tầm trung khác như Mazda CX-5, Honda CR-V... mới tinh.
Lexus RX 450h - mẫu xe sang từ Nhật Bản nổi tiếng với khả năng giữ giá. Bước sang tuổi 11, xe được rao bán mức 1,35 tỷ đồng, bằng khoảng 30% giá trị thời điểm mua mới. Cùng tầm tiền, khách đã có thể thoải mái lăn bánh Hyundai SantaFe phiên bản dầu cao cấp đời 2020.
Công nghệ xe sang cũ đi trước nhiều năm
Động cơ, trang bị, công nghệ... trên những mẫu xe sang dù cách đây 5 - 10 năm vẫn là niềm mơ ước của nhiều người sở hữu xe tầm trung ở thời điểm hiện tại.
Điển hình như mẫu GLK 250 4Matic 2014 sử dụng khối động cơ 2.0L tăng, kết hợp cùng hộp số tự động 7 cấp và hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian 4Matic cho công suất 211 mã lực tại 5.500 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại đạt 350 Nm.
Ở thế hệ này, Mercedes-Benz GLK 250 đã được trang bị hệ thống hỗ trợ đỗ xe tự động, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, phanh thích ứng, cảnh báo áp suất lốp, kiểm soát hành trình chủ động, camera lùi, camera sườn và 6 túi khí, hệ thống dẫn động hai cầu chủ động toàn thời gian...
Cùng tầm tiền hơn 900 triệu đồng, khách mua xe mới có thể chọn Mazda CX-5 bản 2.5 dẫn động cầu trước, động cơ 2.5L công suất tối đa 188 mã lực, mô-men cực đại 251 Nm và một số trang bị tiêu biểu như gói an toàn I-Activsense, hỗ trợ khởi hành ngang dốc...
Rõ ràng, nếu chỉ đặt lên bàn cân thông số động cơ, danh sách trang bị thì thậm chí, một số ô tô tầm trung mới như Mazda CX-5 hay CR-V vẫn còn đi sau Mercedes-Benz GLK 250 dù xuất xưởng sau tới 6 năm.
Chưa nói tới giá trị thương hiệu, rõ ràng Mercedes-Benz ở chiếu trên, "đẳng cấp" hơn hẳn.
Mua xe sang cũ: Cẩn thận 1 tiền gà, 3 tiền thóc
Mê xe Đức nhưng điều kiện tài chính chưa cho phép để sở hữu xe mới, anh Nguyễn Văn Đức ở Linh Đàm, Hà Nội quyết định mua Mercedes-Benz C200 2012 từ cách đây ba năm thay vì Mazda 3 hay Toyota Corolla Altis "đập hộp".
"Thời điểm tôi mua, xe vẫn còn rất mới dù đã lăn bánh 70.000km, thấy chất lượng xe đảm bảo nên quyết định xuống tiền", anh Đức kể lại. "Nhiều người khuyên không nên mua vì cho rằng đã bỏ ra tới cả tỷ đồng thì việc gì phải đi xe "già" như vậy..
Vì quá hâm mộ xe Đức nên anh đã quyết định mua. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm sử dụng, chiếc ô tô này đã phát sinh không ít phiền phức.
Anh Đức cho hay, tính từ đầu năm, anh liên tục cho xe nằm garage với chi phí sửa mỗi lần cả chục triệu đồng. Lúc thì bị lỗi cảm biến, lúc thì lỗi rotuyn lái. Nghiêm trọng hơn, có lần xe bị bỏ máy, chi phí cũng lên tới khoảng 20 triệu đồng.
Cũng sở hữu một mẫu xe sang cũ, thậm chí đã 10 năm tuổi, anh Lê Văn Dũng ở Long Biên (Hà Nội) lại cho rằng, thực tế, không phải xe sang cũ nào cũng dễ hỏng. Quan trọng là phải biết lựa chọn dòng nào "lành", biết kiểm tra kỹ xe trước khi mua để tránh những xe đã bị lỗi nặng.
"Chi phí vận hành, bảo dưỡng tuy có cao hơn xe Nhật, Hàn một chút nhưng vẫn ở mức dễ thở, quan trọng hơn là với cùng tầm tiền, mình được trải nghiệm cảm giác lái rất khác biệt của xe Đức", anh Dũng nói.
Theo anh Phan Ngọc Tú, kỹ sư tại một xưởng xe cũ ở Mỹ Đình (Hà Nội): "Mua xe cũ, đặc biệt là xe sang cũ, khách hàng phải chấp nhận chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, thậm chí là rủi ro hỏng hóc cao hơn bình thường, nếu không hiểu biết nhiều về xe, chi phí cho một lần sửa chữa có thể lên tới cả trăm triệu đồng".
Tuy nhiên, cũng theo anh Tú, xe sang dù cũ vẫn mang tới những giá trị khác biệt so với xe đời mới cùng tầm tiền. "Tiền nào thì của nấy thôi, khách hàng am hiểu về xe, có thời gian chăm sóc, bảo dưỡng xe, có gara quen nữa thì chi phí để đi xe sang vẫn ở mức chấp nhận được".
Dòng xe Mercedes-Benz chỉ là một ví dụ. Trên các diễn đàn về xe, hàng ngày không hiếm hình ảnh người dùng chia sẻ những hóa đơn sửa chữa dòng xe sang khác như BMW, Porsche... Trong đó xưởng sửa chữa chỉ kê "linh tinh" vài hạng mục, con số tổng đã lên tới vài chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Dù là xe cũ có giá bán chỉ vài trăm triệu (như dòng BMW X5), nhưng những chiếc xe này cũng cần được bảo dưỡng chăm sóc như các xe bạc tỉ.
Không thể phủ nhận, xe sang dù cũ vẫn có những giá trị mà xe đời mới cùng tầm tiền không có được. Đó có thể là giá trị thương hiệu, danh sách trang bị... và đặc biệt là cảm giác lái, khả năng vận hành khác biệt.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cân nhắc kĩ về chất lượng xe, chi phí bảo dưỡng ở mức chấp nhận được, độ am hiểu và thời gian của dành cho việc "chơi" xe... để tránh rơi vào hoàn cảnh "một đồng tiền gà, ba đồng tiền thóc".