Hết Covid-19, thị trường xe sang cũ có thoát khỏi cảnh chợ chiều?
(Dân trí) - Những tháng đỉnh điểm của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều mẫu xe sang đã qua sử dụng được rao bán với giá rất hời, thế nhưng thị trường xe sang cũ vẫn rơi vào cảnh chợ chiều.
Xe sang cũ mất mùa trong dịch bệnh
Nếu là ở những năm trước đây, thời điểm sau tết nguyên đán chính là mùa lễ hội của thị trường mua bán xe cũ, bao gồm cả khân phúc xe sang. Điều này dễ hiểu bởi so với thời điểm trước tết thì giá xe đã tốt hơn nhiều. Tuy nhiên năm nay, thị trường xe cũ được cho là bị ảnh hưởng rất trầm trọng từ đại dịch toàn cầu Covid-19.
Thực tế, nhiều chủ doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đã phải chịu nhiều tổn thất khi chứng kiến thời khắc kinh tế “đóng băng”, dẫn đến việc phải rao bán những chiếc xe sang để cứu chủ là hoàn toàn có thể xảy ra. Thật vậy, trong quý đầu tiên của 2020, số lượng tin rao bán xe cũ đã tăng trưởng lên đến 15% so với cùng kỳ năm ngoài theo dữ liệu của nhiều sàn giao dịch uy tín tại Việt Nam, trong đó có Chợ xe, Bốn bánh. Đặc biệt, chiếm phần lớn là những dòng xe sang “bình dân” như Mercedes-Benz C-Class hay BMW 3-Series.
Rõ ràng, tình trạng cung vượt quá cầu sẽ khiến nhiều chủ xe có tâm lý sẵn sàng giảm giá sâu để chống đỡ cho tình trạng kinh tế riêng vốn sắp bị đè bẹp bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên tình hình kinh tế chung cũng ảnh hưởng đến cả những khách hàng có ý định mua xe cũ để tiết kiệm chi phí khiến người liên hệ và mua xe vẫn rất hiếm hoi, đặc biệt là khi cả nước bước vào giai đoạn cách ly xã hội.
Ngay cả đối với những người có đủ tiềm lực tài chính, tuy mùa dịch bệnh chính là “cơ hội vàng” để rước xe sang với giá hời. Nhưng đa phần khách hàng vẫn sẽ chọn kế “hoãn binh” bởi ở thời điểm đó tình hình dịch bệnh tại Việt Nam nói riêng và Thế Giới nói chung vẫn đang diễn ra rất phức tạp, đang cách ly mà mua xe thì cũng chỉ để ở nhà, không đi đâu thì cũng bằng không.
Hết dịch, thị trường xe sang cũ có khởi sắc?
Trao đổi với PV báo Dân trí, anh Nguyễn Quang Trung – chủ sở hữu của H3T Auto – một showroom chuyên xe sang lướt tại Hà Nội cho biết: “So với thời điểm trong dịch bệnh, lượng khách mua xe đã tăng đáng kể mà không quan tâm quá nhiều đến các hình thức ưu đãi hay chiết khấu. Nếu dịch bệnh kéo dài vài tháng thì câu chuyện sẽ khác và rất khó để nói trước được điều gì”.
“Nếu như trong thời điểm mà tất cả mọi người đều phải ở trong nhà nhằm chấp hành quyết định cách ly xã hội, nhu cầu mua xe sang của các khách hàng có điều kiện về kinh tế sẽ rất thấp do nền kinh tế bị gián đoạn và cũng không ai biết vài tháng nữa như thế nào. Trong tháng cách ly cuối cùng, showroom chỉ bán được 20 xe – một con số được coi là khá thấp nếu so với tình hình chung của doanh nghiệp,
Nhưng khi vừa hết dịch, khách hàng mua xe tự tin hơn rất nhiều, trong tháng 5 đã bán hết 40 xe và hiện tại doanh nghiệp đã không còn xe để bán, showroom trống trơn".
"Thành ra, có thể thấy dư âm của Covid-19 không hẳn đã là tiêu cực đối với thị trường xe sang đã qua sử dụng, bởi vì có một số lượng rất lớn khách hàng muốn mua xe và rào cản duy nhất của họ chỉ là câu hỏi: Liệu dịch bệnh có còn kéo dài, có thể cứu vãn được kinh tế trong năm nay hay không? Và sự kết thúc của Covid-19 vừa rồi đã là một câu trả lời đanh thép với họ rồi”, anh Trung nhận định.
Tuy nhiên, phân khúc xe sang vẫn chỉ là một phần “sân chơi” của thị trường ôtô cũ trong nước. Trong bối cảnh thực tế, không khó để nhìn thấy được lượng ôtô cũ được rao bán sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng xe tồn lại trên thị trường xe có chiều hướng tăng cao. Nhưng ở chiều ngược lại, khách hàng có nhu cầu sở hữu ôtô từ phổ thông đến xe sang đều có thể kỳ vọng khi cung vượt cầu thì giá xe sẽ giảm.
Thực tế, một số doanh nghiệp buôn bán xe cũ đã tự đưa ra những chương trình yêu đãi để kích cầu bằng nhiều cách thức như: Giảm trực tiếp tiền mặt, tặng nhiều phụ kiện cho khách hàng khi chốt mua xe.
Vì vậy, tuy chưa thể biết thị trường trường xe sang cũ có thể khởi sắc sau dịch hay không nhưng một khi lượng cầu đang yếu mà guồng quay sản xuất chung đã được phục hồi thì những doanh nghiệp, cá thể buôn bán xe sang cũ sẽ phải tính đến phương án giảm giá mạnh hơn, mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng hơn để kích cầu, và để tồn tại.
Trung Hiếu