DMagazine

Moose test: Bài kiểm tra "ác mộng" của mọi hãng xe

(Dân trí) - Dù ngành ô tô đã có những bước tiến xa về công nghệ an toàn, nhưng moose test vẫn luôn là bài kiểm tra khiến mọi hãng xe phải e dè và ngán ngẩm, bởi khả năng lật xe rất cao.

"Moose test", hay còn gọi là bài thử nghiệm đánh lái gấp, được thiết kế nhằm kiểm tra độ ổn định thân xe trong tình huống khẩn cấp, như đột ngột xuất hiện chướng ngại vật cỡ lớn.

Bài thử nghiệm này được thực hiện lần đầu tiên ở Thụy Điển từ những năm 1970. Tên gọi "Moose test" đến từ việc mục đích ban đầu của bài kiểm tra là thử xem xe có thể tránh những vật cản lớn, như con tuần lộc, bất ngờ xuất hiện trên đường hay không. Hiểu một cách đơn giản là các tài xế phải "đánh võng" ở tốc độ cao.

Tạp chí Teknikens Varld của Thụy Điển là đơn vị đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểu thử nghiệm này và giới thiệu nó ra thế giới. 

Điều kiện thử nghiệm chung là mặt đường hoàn toàn khô ráo, xe chở đủ người và hành lý để mô phỏng tình huống xấu nhất xảy ra. Thay vì một vật cản kích thước lớn, người ta sử dụng các cọc tiêu hình chóp nón để tạo đường đi hình chữ S cho xe. Tài xế phải lái ô tô lách qua dãy cọc tiêu.

Hầu hết bài thử nghiệm được thực hiện ở tốc độ lên tới 100 km/h và những cú đánh lái gấp liên tục ở tốc độ đó rất dễ khiến một bên bánh xe bị nhấc khỏi mặt đường, dẫn tới tình huống lật xe.

Moose test: Bài kiểm tra ác mộng của mọi hãng xe - 1

Điều kiện để vượt qua bài kiểm tra này là:

- Duy trì tốc độ lên tới 100 km/h

- Đánh lái gấp nhưng xe vẫn phải duy trì khoảng cách với cọc tiêu

- Có sử dụng phanh

- Lập tức quay trở lại đường thẳng

Một chiếc xe sẽ được coi là qua bài nếu hoàn thành nhiệm vụ mà không lật, trượt bánh trên mặt đường, hoặc bị văng đuôi. 

Trên thực tế, bài thử nghiệm này được thiết kế để mô phỏng một chiếc xe chạy lùi hoặc một đứa trẻ bất ngờ lao ra đường. Nếu là tuần lộc, khả năng cao là nó sẽ tiếp tục sang đường, thay vì đứng im tại chỗ hay quay lại, nên tài xế cần phanh gấp hoặc cố gắng để xe chạy sượt qua phía sau con vật, thay vì tránh trước mũi nó.

Moose test: Bài kiểm tra ác mộng của mọi hãng xe - 3

"Moose test" bắt đầu được dân chơi xe quan tâm vào năm 1997, khi một chiếc Mercedes A-Class bị "hạ gục" trong bài kiểm tra này.

Cụ thể, chiếc Mercedes-Benz A-Class do phóng viên Robert Collin của tạp chí Teknikens Värld cầm lái đã bị lật trong bài "Moose test" ở tốc độ 60 km/h, trong khi chiếc Trabant cũ kỹ lại vượt qua được.

Mercedes ban đầu phủ nhận việc xe có vấn đề, nhưng sau đó đã tiến hành triệu hồi toàn bộ các xe đã bán ra - khoảng 2.600 chiếc, và nâng cấp 17.000 xe trước khi xuất xưởng. Hãng thậm chí đã phải tạm dừng bán mẫu A-Class trong 3 tháng để "xử lý khủng hoảng", bằng cách bổ sung hệ thống ổn định thân xe điện tử và hiệu chỉnh hệ thống treo. Việc sửa lỗi đã khiến hãng xe sang Đức tốn khoảng 250 triệu USD.

"Moose test" đến nay vẫn không được coi là một bài kiểm tra an toàn chính thức của các hãng xe, vì nó quá khó. Tuy nhiên, tạp chí Teknikens Värld vẫn thực hiện với các mẫu xe mới và kết quả thường không được như mong đợi.

Một số tình huống trượt bài "Moose test" (Video: YouTube).

Bạn có thể cho rằng từ đó tới nay, công nghệ an toàn trong ngành ô tô đã phát triển vượt bậc, nên dạng thử nghiệm này không thể làm khó các hãng xe nữa. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy.

Rất nhiều mẫu xe hiện đại vẫn không qua nổi bài kiểm tra khắc nghiệt này, dù được trang bị những công nghệ an toàn tiên tiến nhất. Tại sao?

Các xe khác nhau trượt bài "Moose test" vì những lý do khác nhau. Dưới đây là những lý do phổ biến nhất:

- Trọng tâm cao và khoảng cách giữa hai bánh xe hẹp: Xe có trọng tâm cao, như SUV và bán tải, dễ bị lật và không qua được bài kiểm tra này.

- Hệ thống chống bó cứng phanh hoạt động không hiệu quả: Nếu hệ thống phanh quá cứng sẽ khiến xe khó quay trở lại đường thẳng ngay.

- Lốp sau và hệ thống phanh phối hợp kém ăn ý: Lốp sau sẽ bị trượt và phải phanh một đoạn dài hơn xe mới dừng lại hẳn.  

- Với xe điện, vị trí lắp đặt bộ pin có vai trò quan trọng: Nếu bộ pin nằm trong khoang hành lý phía sau hoặc dưới nắp ca-pô thì nó sẽ làm chuyển dịch trọng tâm xe và tăng nguy cơ xe trượt bài "Moose test".

- Chiều dài và chủng loại hệ thống treo của xe.

Moose test: Bài kiểm tra ác mộng của mọi hãng xe - 6

(Ảnh: Dubizzle)

Trong số các xe trượt bài "Moose test" trong clip trên, chiếc Toyota Hilux 2016 có hệ thống treo không đủ cứng, nên có hiện tượng nhao xe ở các góc cua. Ngoài ra, việc hệ thống treo quá mềm cũng khiến chiếc xe bán tải này có độ bám đường không tốt trong điều kiện sình lầy, bùn đất.

Mẫu Toyota RAV4 2019-2020 và Jeep Grand Cherokee 2011 cũng cho kết quả tương tự. Với chiếc Jeep, lốp thậm chí còn bị xe văng khỏi mâm. 

Mẫu Porsche Macan lại không qua được bài vì lý do khác. Hệ thống kiểm soát hành trình kích hoạt phanh ở những bánh xe nhất định để ngăn lật xe, nhưng việc này lại chỉ dẫn tới tình trạng thiếu lái, tức là xe không ôm cua theo đúng ý muốn của người lái.

Trong khi đó, Volkswagen Passat GTE và Skoda Superb - cả hai là phiên bản hybrid của cơ sở gầm bệ dành cho xe động cơ đốt trong thuần túy, nên chứa bộ pin lớn ở trong cốp của chiếc xe vốn dĩ không được thiết kế để gánh bộ pin trong cốp. Cả hai xe đều không qua được bài "Moose test" do bị đảo đuôi.

Các nhà sản xuất ô tô có thể bao biện rằng xe gầm cao được thiết kế để chạy off-road nên không phù hợp với bài thử nghiệm này, nhưng thực tế là tất cả các xe đều cần đảm bảo độ an toàn khi ôm cua để có thể xử lý tình huống người đi bộ bất ngờ sang đường.

Có nhiều xe điện qua được bài "Moose test" hơn so với xe chạy xăng, dầu truyền thống. Lý do chính là xe điện nặng hơn. Bộ pin làm tăng trọng lượng và hạ trọng tâm xe, dẫn tới việc giảm nguy cơ trượt bánh hoặc lật. Tesla Model X và Porsche Taycan là các mẫu xe điện đã xuất sắc vượt qua bài "Moose test".

Moose test: Bài kiểm tra ác mộng của mọi hãng xe - 7

Điều bất ngờ là kỷ lục vượt qua bài "Moose test" với tốc độ nhanh nhất được xác lập từ năm 1999 và đến nay vẫn chưa bị phá vỡ thuộc về một mẫu xe rất "thường", chứ chẳng phải siêu xe đình đám nào. Đó là Citroën Xantia Activa. 

Chiếc xe gia đình giản dị này đã vượt qua bài "Moose test" ở tốc độ 85 km/h.

Bài thử nghiệm đánh lái gấp của chiếc Citroen Xantia Activa (Video: YouTube).

Citroën có thể đạt được kết quả đáng kinh ngạc này là nhờ công nghệ treo chủ động điều khiển điện tử của Xantia Activa có khả năng chống lật kiểu F1 khi ôm cua, giống như mẫu xe đua nổi tiếng Williams FW14. Chiếc xe sử dụng hệ thống treo thủy lực để ứng phó linh hoạt ở từng góc cua. 

Xantia Activa có thể chủ động điều chỉnh độ cao gầm xe khi ôm cua liên tục tới 400 lần/giây, tức là xe có thể chuyển hệ thống treo từ dạng mềm sang cứng chỉ trong chưa đến nửa giây. Việc này giúp chiếc xe bó vỉa và kiểm soát sự phân bổ trọng lượng một cách hoàn hảo.

Moose test: Bài kiểm tra ác mộng của mọi hãng xe - 9

Dù "Moose test" không phải là bài kiểm tra chính thức của các nhà sản xuất ô tô, nhưng những người mê xe vẫn thích xe có điểm "Moose test" cao. Xe có điểm "Moose test" càng cao thì xe càng an toàn và ít có nguy cơ xảy ra tai nạn trong tình huống khẩn cấp. Nếu bạn tìm mua xe cũ thì càng nên chọn xe có kết quả "Moose test" trên mức trung bình.

Moose test: Bài kiểm tra ác mộng của mọi hãng xe - 11

Nội dung: Lê Lan

Thiết kế: Tuấn Huy