Mazda thay tướng
(Dân trí) - Mazda cho biết, ông Masamichi Kogai, nguyên giám đốc sản xuất và mua hàng, sẽ đảm nhiệm cương vị CEO của công ty từ cuối tháng 6 tới.
Ông Kogai, 58 tuổi, có vai trò lớn trong nỗ lực cắt giảm chi phí và khôi phục hình ảnh thương hiệu của Mazda. Dưới sự lãnh đạo của ông Kogai, nhà sản xuất ôtô Mazda đã có lãi trở lại sau 5 năm thua lỗ triền miên, dù tỷ giá hối đoái không thuận lợi sau khi công ty tách hẳn khỏi tập đoàn Ford.
Với thành tích đó, ông Kogai đã được Mazda tin tưởng bổ nhiệm vào vị trí CEO của công ty từ tháng 6 tới, thay thế ông Takashi Yamanouchi, 68 tuổi. Quyết định này sẽ có hiệu lực sau Đại hội cổ đông ngày 25/6 của Mazda.
Ông Yamanouchi là người dẫn dắt Mazda sau khi Ford bán toàn bộ cổ phần, khiến nhà sản xuất ôtô Nhật Bản này gặp nhiều khó khăn, mà đáng chú ý nhất là thiếu tiền mặt để đầu tư phát triển sản phẩm mới.
Dưới thời ông Yamanouchi, Mazda bắt đầu sản xuất xe sử dụng công nghệ tiết kiệm nhiên liệu mới mang tên Skyactiv.
Trọng trách của ông Kogai sẽ là phát triển Mazda ở Bắc Mỹ và Trung Quốc, đồng thời hợp tác với hãng Alfa Romeo của Ý để cho ra đời mẫu xe thay thế Mazda Miata. Thêm vào đó, Mazda vẫn đang triển khai xây dựng nhà máy lắp ráp đầu tiên của mình ở Mexico.
14 năm sau khi mua 33,4% cổ phần Mazda (tỷ lệ kiểm soát), đến tháng 11/2010, Ford đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 3,5%. Về cơ bản, có thể xem như Mazda đã tách độc lập khỏi Ford. Do thua lỗ triền miên, nhà máy sản xuất xe Mazda ở Flat Rock, tiểu bang Michigan (Mỹ) đã được bàn giao lại cho chủ cũ là tập đoàn Ford từ ngày 24/8/2012. Mazda chuyển hoạt động sản xuất xe Mazda6 về Nhật Bản. Ngoài ra, công ty đã triển khai dự án xây dựng một nhà máy mới ở Salamanca, Mexico, để sản xuất xe Mazda2 và Mazda3.
Được biết đến với tên gọi AutoAlliance International, nhà máy này là cơ sở liên doanh giữa Ford và Mazda từ năm 1992, sản xuất xe Mazda6 và Ford Mustang.
Sau khi Ford bán gần hết cổ phần trong Mazda, cả hai đều khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực đôi bên cùng có lợi. Chính xác quan hệ đó là gì thì chưa rõ, nhưng rõ ràng là hai bên không còn nhiều lợi ích chung như trước.
Ford bắt đầu rút dần vốn đầu tư khỏi Mazda khi cuộc khủng hoảng tài chính tấn công ngành ôtô vào năm 2008. CEO Alan Mulally khi đó cho rằng các kỹ sư của Ford đang dùng Mazda như cây nạng đỡ, và cổ phần Mazda là một trong những tài sản ít ỏi mà Ford còn có thể bán sau khi đã thế chấp gần như mọi thứ khác để có nguồn tài chính cho kế hoạch tái cơ cấu của ông Mulally.
Nhật Minh
Theo Japan Times, Detroit News