Mazda, Hyundai có thêm nhà máy tại Việt Nam - Cơ hội chờ mua xe giá rẻ?
(Dân trí) - Trường Hải vừa khánh thành nhà máy mới tại Việt Nam, với công suất giai đoạn 1 là 50.000 xe/năm, Hyundai cũng chính thức kí biên bản ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy thứ hai tại Ninh Bình, bên cạnh nhà máy hiện tại có công suất 60.000 xe/năm… cơ hội mua xe giá rẻ của người tiêu dùng Việt Nam sắp trở thành hiện thực?
Cơ hội mới cho xe lắp ráp trong nước?
Sau một năm xây dựng, nhà máy Thaco Mazda đã chính thức được khánh thành tại Chu Lai - Quảng Nam với công suất tối đa 100.000 xe/năm; trong đó, những mẫu xe đầu tiên của dây chuyên sản xuất trong giai đoạn 1 đã sẵn sàng đến tay người tiêu dùng, với công suất lên tới 50.000 xe/năm. Nhà máy này tiếp tục lắp ráp các mẫu xe của Mazda đang được quan tâm hiện nay là Mazda2, Mazda6… đặc biệt là Mazda3 và CX-5.
Đây là một trong những “may mắn” của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam khi Mỹ từ chối tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến Mazda buộc phải chọn lựa để xây dựng một nhà máy tại khu vực Đông Nam Á. Vào thời điểm hiện tại, nhà máy của Mazda tại Thái Lan (cung cấp mẫu BT-50) vẫn là nhà máy chung với các đối tác Ford và Thái Lan.
Trong khi đó, kể từ khi chính thức trở thành đối tác, nắm giữ 50% cổ phần tại Hyundai Thành Công từ tháng 3/2017, tập đoàn Hàn Quốc này đã chính thức kí biên bản ghi nhớ cùng tỉnh Ninh Bình để xây dựng thêm một nhà máy mới để tăng tỉ trọng xe lắp ráp trong nước lên 90% trong năm 2018 này. Và trong thực tế, nhà máy hiện tại với công suất 60.000 xe/năm của Hyunda Thành Công đã thực hiện lắp ráp toàn bộ các mẫu xe du lịch và không nhập khẩu dòng xe này từ đầu năm nay.
Còn với thương hiệu ôtô được ưa chuộng nhất Việt Nam hiện nay - Toyota, việc các dòng xe du lịch các cỡ (hạng B/C/D và mẫu MPV - Innova) hiện đang lắp ráp trong nước vẫn có những kết quả kinh doanh khả quan, cùng tỉ lệ nội địa hóa khá cao nên tiếp tục nhận được sự đầu tư duy trì sản xuất của thương hiệu Nhật Bản này.
Bên cạnh đó, một tín hiệu nữa mang lại hy vọng cho người tiêu dùng về việc sẽ được sở hữu những dòng xe giá bán hợp lí khi “ẩn số” VinFast với các dòng xe du lịch chạy xăng/điện sẽ có mặt từ năm 2019 tới đây dự kiến), với công suất giai đoạn 1 là 100.000 - 200.000 xe/năm.
Sẽ có một mặt bằng giá xe mới?
Mong muốn của người dân Việt Nam vào thời điểm này, khi mà giá bán ôtô trong nước đang lớn gấp đôi, gấp ba so với các nước khác trong khu vực, là có thể sở hữu một chiếc ôtô với giá bán hợp lí, không phân biệt nguồn gốc là xe lắp ráp trong nước hay xe nhập khẩu nước ngoài.
Và đến thời điểm này, khi mà dòng xe nhập khẩu đang vướng mắc nhiều thủ tục cần đáp ứng chưa thể có mặt trong thị trường Việt Nam thì rõ ràng các dòng xe lắp ráp đang có lợi thế hơn hẳn.
Không những vậy, với mục tiêu của ngành công nghiệp ôtô đang được Chính phủ ủng hộ: miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỉ lệ nội địa hóa trong nước, tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2018 cho các dòng xe dưới 2.000cc, miễn thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp xe (nếu đáp ứng việc bán đủ số lượng xe theo từng giai đoạn với một dòng xe và với tổng sản lượng)…
Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi thuế đối với một số mặt hàng, trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện ô tô xuống 0% trong vòng 5 năm (2018 - 2022) đối với dòng xe dưới 9 chỗ, có dung tích xi-lanh 2.000cc đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 vào đến năm 2021 và Tiêu chuẩn mức 5 kể từ năm 2022
Chính vì vậy, điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp này được hưởng các ưu đãi từ chính sách vẫn là doanh số bán ra tới tay người tiêu dùng; doanh số bán ra càng nhiều thì lợi nhuận càng cao, đi cùng với việc hạn chế rủi ro về việc không đáp ứng các tiêu chí của Chính phủ.
Do đó, trong thời gian tới, các dòng xe mũi nhọn của các hãng dự báo sẽ có thay đổi, tạo nên một cuộc cạnh tranh mới có lợi cho người tiêu dùng, nhất là các thương hiệu có những dòng xe là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau; Mazda với Mazda2/Mazda3/Mazda6/CX-5, Toyota với Vios/Altis/Camry, Hyundai /Grand i10/SantaFe…; chưa kể KIA với các mẫu Morning/Cerato lắp ráp trong nước cũng đang nỗi lực để chia lại thị phần xe du lịch tại Việt Nam.
Tuy vậy, thực tế để người dân có thể sở hữu những dòng xe giá rẻ lại phụ thuộc rất nhiều vào các hãng xe, nếu như theo họ những yêu cầu này (để được miễn thuế linh kiện nhập khẩu) là quá khắt khe và các hãng không mặn mà vào "miếng bánh" được bày ra. Và như vậy, mục tiêu vì người tiêu dùng Việt Nam mà Chính phủ đề ra rõ ràng lại một lần nữa phụ thuộc vào quyết định kinh doanh của chính các hãng xe.
Biểu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho ôtô trong năm 2018
Việt Hưng