Mạnh tay cải tổ công ty con, Toyota muốn xử lý tận gốc các bất thường

Gia An

(Dân trí) - Quyết liệt xử lý tồn tại của Daihatsu và TICO, chấp nhận thiệt hại khi phải dừng hoạt động nhà máy, Toyota cho thấy hãng muốn cải tổ tận gốc và khắc phục những sai sót trước đây của các công ty con.

Doanh số xe Toyota trên toàn cầu tăng trưởng hơn 10% nhưng riêng tại Nhật Bản trong tháng 1 đã giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên trong 13 tháng qua thương hiệu này ghi nhận lượng xe bán ra tại thị trường nội địa giảm. Nguyên nhân đến từ việc nguồn cung xe bị hạn chế do Daihatsu vướng bê bối dẫn đến gián đoạn sản xuất.

Các chuyên gia cho rằng sức tăng trưởng tại Nhật Bản của Toyota sẽ nhanh chóng quay trở lại khi các vấn đề liên quan đến công ty con là Daihatsu và TICO được giải quyết. Trước đó, lãnh đạo tập đoàn mẹ đã có hàng loạt điều chỉnh nhằm tăng cường giám sát và quản trị.

Thay hàng loạt lãnh đạo, mạnh tay cải tổ

Từ năm 2023, Tổng Giám đốc Soichiro Okudaira của Daihatsu đã phải từ chức, chịu trách nhiệm đối với vụ việc bất thường về quy trình thử nghiệm, bên cạnh 4 vị lãnh đạo khác. Đến giữa tháng 2, Toyota thông báo rằng Daihatsu đã tìm được 3 nhân sự thay thế cho các vị trí chủ chốt. Trong đó, cựu CEO Masahiro Inoue của Toyota Mỹ Latinh được cử làm Tổng Giám đốc Daihatsu.

Mạnh tay cải tổ công ty con, Toyota muốn xử lý tận gốc các bất thường - 1

Việc sản xuất và giao xe của Daihatsu đã có những thời điểm bị gián đoạn vì vướng những bê bối (Ảnh: Mundo).

Phó Tổng Giám đốc cấp cao là ông Masanori Kuwata, sẽ phụ trách tổ chức và cải cách văn hóa doanh nghiệp. Giám đốc Keiko Yanagi với kinh nghiệm về mặt pháp lý sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng những chứng chỉ về độ tin cậy. Như vậy, vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị bị bãi bỏ tại Daihatsu và hiện nay chịu trách nhiệm cao nhất sẽ là Tổng giám đốc Masahiro Inoue.

Có thể thấy bộ máy của Daihatsu đã được thay đổi mạnh mẽ sau những vụ việc bất thường. Trong buổi công bố chức danh và nhiệm vụ mới, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Toyota Koji Sato cũng nhấn mạnh rằng Daihatsu sẽ thay đổi cơ cấu quản lý để có các biện pháp nhằm ngăn ngừa tái diễn và thúc đẩy xây dựng nền tảng cho tương lai.

Mạnh tay cải tổ công ty con, Toyota muốn xử lý tận gốc các bất thường - 2

Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Toyota Koji Sato (trái) trong buổi công bố cơ cấu nhân sự cấp cao của Daihatsu sau cải tổ (Ảnh: TMC).

Còn tân tổng giám đốc Daihatsu Masahiro Inoue cho biết: "Tôi muốn xây dựng lại Daihatsu". Thực tế, Daihatsu là công ty có lịch sử hơn 100 năm và hiện có quy mô lớn với tổng cộng hơn 40.000 nhân viên nhờ được thừa hưởng những thế mạnh từ công ty mẹ Toyota trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, ông Masahiro Inoue cho rằng thay vì chất lượng phải tăng lên cùng với quy mô thì sự mở rộng này lại khiến Daihatsu hoạt động thiếu ổn định. Vì vậy, Tổng giám đốc Daihatsu cho biết sẽ cải cách tổ chức và văn hóa, xử lý tận gốc nguyên nhân gây ra các bất thường trong thủ tục để nỗ lực vực dậy công ty.

Khôi phục sản xuất, tăng cường giám sát

Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) mới đây đã dỡ bỏ quyết định tạm dừng hoạt động vận chuyển xe của Daihatsu, sau khi xem xét tình hình cũng như có kết quả kiểm tra của các bên thứ ba.

Cơ quan này cũng xem xét cho Daihatsu tiếp tục sản xuất và vận chuyển các mẫu xe mang thương hiệu Toyota, Daihatsu, Mazda cũng như Subaru, trong đó có các sản phẩm như: Toyota Probox / Mazda Familia Van / Daihatsu Mira… và Daihatsu Rocky / Toyota Raize (phiên bản xăng) / Subaru Rex từ ngày 4/3.

Sau đó, MLIT thông báo sẽ bỏ lệnh tạm dừng vận chuyển động cơ diesel do TICO sản xuất, sau khi Toyota đình chỉ hoạt động một số dây chuyền do phát hiện những bất thường trong các cuộc kiểm tra chứng nhận động cơ diesel. Cũng từ 4/3, dây chuyền sản xuất các mẫu xe trang bị động cơ diesel của TICO tại hai nhà máy Inabe và Gifu sẽ hoạt động trở lại.

Mạnh tay cải tổ công ty con, Toyota muốn xử lý tận gốc các bất thường - 3

Gián đoạn trong sản xuất khiến doanh số xe Toyota tại Nhật Bản giảm trong tháng 1, song vẫn tăng trưởng trên quy mô toàn cầu (Ảnh: TMC).

Như vậy, hoạt động sản xuất sẽ được nối lại tại các nhà máy của Toyota ở Nhật Bản cũng như tại những thị trường khác. Tuy nhiên, thương hiệu này cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo quá trình thử nghiệm có sự tham gia, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.

Cần thời gian để khôi phục lòng tin, vượt thách thức

Trong câu chuyện trên, Daihatsu được ví như "đứa con", vì chịu nhiều áp lực và kỳ vọng của cha mẹ (Tập đoàn Toyota) nên đã không tuân thủ quy trình, dẫn đến những sai sót. Nhưng thay vì bao che cho con thì Toyota đã thẳng thắn xử lý.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, Toyota đã có những hành động quyết liệt và dứt khoát bằng việc dừng hoạt động của các nhà máy Daihatsu, mở cuộc điều tra và mời bên thứ ba vào giám sát. 17 lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn cùng thống nhất cải tổ triệt để và khôi phục Daihatsu - thương hiệu được biết đến với các mẫu xe cỡ nhỏ, giá phải chăng.

Doanh số giảm tại quê nhà do nguồn cung xe bị hạn chế bởi Daihatsu phải ngừng sản xuất. Tuy nhiên, doanh số bán hàng bên ngoài Nhật Bản của Toyota trong tháng 1 lại tăng 15,9% lên 672.102 xe, nhờ nhu cầu mạnh mẽ tại Bắc Mỹ. Nhờ vậy, doanh số bán hàng toàn cầu của Toyota vẫn tăng 10,5%, lên 784.527 chiếc.

"Thông qua kiểm soát thiệt hại, bắt đầu với việc thay Tổng Giám đốc của Daihatsu bằng một vị lãnh đạo có uy tín của Toyota, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản được cho là cũng sẽ xử lý êm đẹp sự việc lần này và khôi phục hình ảnh thương hiệu", Forbes nhận định.