Lãnh đạo Daihatsu đồng loạt từ chức, Toyota đẩy mạnh cải tổ sau bê bối

Nhật Minh

(Dân trí) - Cựu lãnh đạo Toyota sẽ vào cuộc chấn chỉnh hoạt động của thương hiệu con Daihatsu để cứu vãn hình ảnh của cả hai.

Hai tháng trôi qua kể từ khi nổ ra bê bối gian lận an toàn đáng hổ thẹn, làm hoen ố hình ảnh thương hiệu Daihatsu và gây ảnh hưởng tới cả tập đoàn mẹ Toyota, giờ đây, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã có động thái mới.

Thực tế là chủ tịch (president) Soichiro Okudaira của Daihatsu buộc phải từ chức, chịu trách nhiệm đối với vụ bê bối gian lận kiểm tra an toàn  từ tháng 1 năm ngoái. Việc này đã nằm trong dự đoán.

Toyota vừa tổ chức một cuộc họp báo chung với Daihatsu vào ngày 13/2 tại Tokyo (Nhật Bản), và chủ tịch Koji Sato của Toyota thông báo rằng cựu CEO Masahiro Inoue của Toyota Mỹ Latin sẽ thay thế ông Okudaira ở vị trí chủ tịch Daihatsu từ ngày 1/3 tới.

Mục tiêu của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản là tăng cường kiểm soát Daihatsu và cải tổ hoạt động của thương hiệu này.

Lãnh đạo Daihatsu đồng loạt từ chức, Toyota đẩy mạnh cải tổ sau bê bối - 1

Chủ tịch Koji Sato của Toyota (trái) cùng tham gia buổi họp báo với tân chủ tịch Masahiro Inoue của Daihatsu (Ảnh: Toyota).

Trong khi đó, ông Masanori Kuwata sẽ là phó chủ tịch điều hành mới của Daihatsu, phụ trách cải tổ văn hóa doanh nghiệp, từ ngày 1/3. Chủ tịch hội đồng quản trị (chairman) Sunao Matsubayashi của Daihatsu cũng sẽ từ chức và vị trí này bị hủy bỏ, không có người thay thế.

"Sự mở rộng nhanh chóng của công ty đã dẫn tới những chệch choạc trong hoạt động", ông Inoue nói. "Tôi muốn xây dựng lại Daihatsu".

Vai trò của ông Kuwata cũng sẽ rất quan trọng. Ông hiện là người đứng đầu các dự án điện khí hóa của Lexus và là phó chủ tịch điều hành cơ sở sản xuất Kyushu của Lexus.

"Giờ đây đã đến lúc chậm lại một chút để chấn chỉnh mọi thứ", ông Sato phát biểu tại buổi họp báo.

Daihatsu đã buộc phải dừng giao tất cả các mẫu xe vào cuối năm ngoái, trong đó có một số mẫu được bán dưới thương hiệu Toyota, Subaru và Mazda.

Việc này xuất phát từ một cuộc điều tra nội bộ cho thấy Daihatsu đã gian lận dữ liệu kiểm tra an toàn của xe. Theo đó, công ty gian lận kết quả kiểm tra của 64 mẫu xe, trong đó có khoảng hơn 20 mẫu được bán dưới thương hiệu Toyota.

Cuộc điều tra cũng phát hiện ra rằng Daihatsu đã gian lận như vậy suốt 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, Toyota cho biết, không xảy ra vụ tai nạn nào liên quan tới việc gian lận kiểm tra an toàn.

Sau đó, vào tháng 1 năm nay, Toyota cũng bị kéo vào bê bối cùng Daihatsu, khi buộc phải dừng giao 10 mẫu xe, trong đó có những cái tên "hot" như Hilux và Land Cruiser, do việc phát hiện bất thường trong quy trình thử nghiệm động cơ.

Lãnh đạo Daihatsu đồng loạt từ chức, Toyota đẩy mạnh cải tổ sau bê bối - 2

Mức độ đáng tin cậy của các thương hiệu ô tô, theo khảo sát năm 2024 của JD Power (Ảnh: JD).

Thường xuyên nằm trong Top 3 thương hiệu có mức độ thỏa mãn khách hàng cao nhất do JD Power khảo sát, tập trung vào độ tin cậy của sản phẩm, nên chắc chắn Toyota không thể ngồi im nhìn hình ảnh thương hiệu bị ảnh hưởng.

Nhà sản xuất ô tô số 1 Nhật Bản không phải lần đầu vướng vào bê bối và đã xử lý khá tốt. Cách đây 10 năm, Toyota đã buộc phải chi 1,2 tỷ USD để dàn xếp vụ việc xe bị tăng tốc mất kiểm soát.

Thông qua kiểm soát thiệt hại, bắt đầu với việc thay chủ tịch của Daihatsu bằng một vị lãnh đạo có uy tín của Toyota, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản được cho là cũng sẽ xử lý êm đẹp sự việc lần này và khôi phục hình ảnh thương hiệu.

Theo www.forbes.com