Liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi vẫn quyết "nắm tay nhau"

(Dân trí) - Vụ truy tố hình sự ông Carlos Ghosn tại Nhật Bản có thể gây ra những căng thẳng trong nội bộ Renault-Nissan-Mitsubishi, nhưng rõ ràng không ảnh hưởng đến kế hoạch cả 3 sẽ dùng chung cơ sở gầm bệ cho các mẫu xe trong tương lai.

Liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi vẫn quyết nắm tay nhau - 1

Trả lời câu hỏi của trang Automotive News về việc liệu vấn đề pháp lý của cựu chủ tịch Carlos Ghosn có dẫn tới khả năng liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi xem xét lại việc chia sẻ cơ sở gầm bệ của các mẫu xe hay không, ông Philippe Klein - Giám đốc kế hoạch toàn cầu của Nissan - cho biết: “Tôi sẽ nói rõ ràng. Những gì đang xảy ra sẽ không làm thay đổi, gây khó khăn, hay tạo ra sự hoài nghi đối với liên minh. Thẳng thắn mà nói, không ai có ý định thay đổi điều đó.”

Ông Klein cho biết ba công ty gần đây đã gặp mặt để nâng tầm việc phát triển sản phẩm chung, hướng tới loạt sản phẩm toàn cầu. Trong số các xe mà Nissan dự kiến sẽ tung ra thị trường trong vòng 5 năm tới, ngoại trừ duy nhất một mẫu, còn lại về cơ bản sẽ dùng chung cơ sở gầm bệ với các đối tác trong liên minh. "Chúng tôi sẽ không thay đổi quy trình lên kế hoạch sản phẩm," ông Klein nói. 

Liên kết việc phát triển sản phẩm của ba nhà sản xuất là tâm huyết của ông Ghosn trong những năm gần đây. Liên minh đã công bố kế hoạch chia sẻ các nền tảng ở quy mô quốc tế trên một lượng lớn các phân khúc xe. Tất cả đều ổn, cho đến khi ông Ghosn bị bắt vào ngày 19 tháng 11 với cáo buộc gian lận tài chính. Ông nhanh chóng bị cách chức chủ tịch của Nissan và Mitsubishi, nhưng vẫn là giám đốc điều hành của Renault. Công việc của Ghosn hiện đang được xử lý bởi các giám đốc điều hành cấp cao khác. 

Trong một cuộc phỏng vấn tại Triển lãm ô tô Detroit, ông Klein đã từ chối thảo luận về tình hình của Ghosn, nhưng với câu hỏi liệu sự ra đi của Ghosn có thể khiến liên doanh Nissan, Renault và Mitsubishi tan vỡ hay không, ông có phản hồi cứng rắn rằng: “Có rất nhiều thứ đang diễn ra và sẽ cần có sự điều chỉnh lại. Liên minh sẽ cố gắng hợp tác để vượt qua cuộc khủng hoảng này”. 

Phá vỡ liên minh không phải là một lựa chọn hợp lý, vì mạng lưới sản xuất, nguồn cung ứng và việc lên kế hoạch sản phẩm của các thành viên được đan xen, phối hợp rất sâu với nhau. Trên thực tế, sự hợp tác giữa ba nhà sản xuất ô tô là rất quan trọng trong việc giải quyết các thách thức hiện tại của ngành công nghiệp, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc thắt chặt các quy định về môi trường, chuyển dịch động cơ, sự phát triển của công nghệ lái tự động và sự xuất hiện của các loại phương tiện giao thông mới. 

Hiện ba thành viên đang liên kết với nhau theo mạng lưới cổ phần phức tạp. Renault nắm giữ 43% cổ phần tại Nissan. Nissan, đối tác lớn hơn, có lợi nhuận cao hơn nhưng chỉ sở hữu 15% của Renault và không có quyền biểu quyết. Trong khi đó, Nissan có quyền kiểm soát tại Mitsubishi khi nắm giữ 34% cổ phần.

Lạc Diệp
Theo Automotive News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm