Bạn đọc viết:

Khó giữ khoảng cách an toàn vì thói "điền vào chỗ trống" của tài xế Việt

PV

(Dân trí) - Mỗi khi tôi chủ động tạo khoảng cách an toàn với xe phía trước thì lập tức có một xe khác tranh thủ chen vào khoảng trống đó (Độc giả Phúc Minh).

Từ sự cố 5 xe ô tô đâm "dồn toa" trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành, nhiều người đề cập đến nguyên tắc giữ khoảng cách an toàn. Đó thực sự là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác, nhưng trên thực tế, việc này rất khó thực hiện.

Khó giữ khoảng cách an toàn vì thói điền vào chỗ trống của tài xế Việt - 1

Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước sẽ giúp bạn có đủ thời gian để kịp thời xử lý khi xuất hiện tình huống bất ngờ trên đường (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Liên quan tới khoảng cách an toàn, cánh tài xế vẫn truyền nhau kinh nghiệm áp dụng quy tắc 3 giây, tức là khoảng thời gian cần thiết để tài xế dừng xe an toàn sau khi đạp phanh. Luật pháp, cụ thể là Thông tư 31/2019 của Bộ Giao thông vận tải, cũng đã có quy định cụ thể về khoảng cách tối thiểu giữa các xe khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiếm khi giữ được khoảng cách tối thiểu 35 mét như quy định. Tôi cố gắng duy trì khoảng cách, nhưng luôn có xe khác sẵn sàng "phá đám".

Nếu thường xuyên lái xe trên đường cao tốc, chắc chắn bạn sẽ thấy việc này quá quen thuộc. Chạy xe "điền vào chỗ trống" là thói xấu của không ít tài xế Việt dù có thể bản thân có thể cũng từng lên án kiểu đi nguy hiểm này của xe máy. Tại sao lại như vậy? 

Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên là sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức. Việc này có lẽ cần sự thay đổi toàn diện trong công tác giáo dục nói chung và đào tạo, sát hạch cấp bằng lái nói riêng thì mới có thể cải thiện. Văn hóa và quy tắc giao thông nên trở thành một môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục ngay từ cấp mẫu giáo. 

Thứ hai là trường hợp bạn có ý thức chấp hành quy định về việc giữ khoảng cách an toàn, nhưng liên tục bị các xe khác tạt đầu chen ngang vào khoảng trống đó. Lâu dần, có thể bạn sẽ cảm thấy việc cố gắng giữ khoảng cách an toàn là bất khả thi, là "thiệt thòi".

Thứ ba, có nhiều xe đi chậm nhưng lại thích chiếm làn trong cùng bên trái (vốn dành cho xe chạy tốc độ tối đa cho phép), khiến xe khác muốn vượt chỉ còn cách lách vào các khoảng trống.

Nhìn chung, nếu tất cả các xe đều tuân thủ quy định về tốc độ trên từng làn đường, vạch kẻ và khoảng cách an toàn..., thì đường sẽ đỡ tắc, giao thông đỡ lộn xộn; khi đó, ai cũng được việc. Càng nhiều tài xế chạy xe kiểu "khôn lỏi" sẽ càng khiến giao thông hỗn loạn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

Thử tưởng tượng trên đường cao tốc, nếu tất cả các xe đều di chuyển với tốc độ 80-90km/h và duy trì khoảng cách 70-80 mét thì liệu có còn nhiều tài xế muốn "điền vào chỗ trống" nữa không?

Độc giả Phúc Minh

Bài viết này thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với ý kiến của báo Dân trí.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm