Khách mua xe xăng VinFast gặp khó khi vay ngân hàng
(Dân trí) - Một số ngân hàng hạn chế cho vay hoặc đưa ra mức định giá tương đối thấp với dòng ô tô VinFast phiên bản máy xăng, sau khi hãng xe Việt ngừng kinh doanh dòng sản phẩm này để tập trung vào xe điện.
Thành Trung, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, dự định mua trả góp chiếc xe VinFast Lux A2.0 "chạy lướt". Tuy nhiên, khi liên hệ với phòng kinh doanh tại một ngân hàng thì nhận được thông tin từ chối với lý do ngân hàng này dừng cho vay đối với dòng xe VinFast máy xăng.
Không riêng trường hợp của anh Trung, một số khách hàng khác có nhu cầu vay tiền để mua xe VinFast Lux hay Fadil cũng gặp khó. Theo khảo sát của PV Dân trí, chính sách hạn chế cho vay với xe xăng VinFast được một số ngân hàng như TPBank, VIB… áp dụng từ cuối tháng 8.
Bên cạnh đó, một vài ngân hàng khác cũng siết cho vay với xe cũ VinFast, còn xe mới có thể vay nhưng hạn mức thấp hơn trước. Tuy nhiên, chính sách này không áp dụng đối với ô tô điện VinFast, tức khách mua VF e34 thời điểm này vẫn có thể vay như những dòng xe của hãng khác.
Khó khăn trong việc thẩm định giá
Theo quản lý một cửa hàng kinh doanh ô tô cũ ở Hà Nội, việc VinFast dừng sản xuất xe xăng khiến giá dòng Lux và Fadil biến động mạnh, kéo theo việc định giá xe cũ gặp không ít khó khăn. "VinFast vẫn tiếp tục giao nốt xe xăng cho khách đặt từ trước, tuy nhiên giá xe cũ biến động rất nhiều", người này nói.
Ngoài ra, khi xe không còn được bán thì việc tính giá trị còn lại và mức vay ban đầu cũng khó hơn. Bên cạnh đó, VinFast cũng hay đưa ra nhiều chương trình bán khác nhau, có thể gây khó cho việc thẩm định tài sản.
Ví dụ, Lux A2.0 xe mới 100% có giá niêm yết 881 triệu đồng. Hồi cuối tháng 6, VinFast cho phép cộng gộp 3 voucher (trị giá 200 triệu đồng mỗi voucher), kéo giá mua xe thực tế xuống còn khoảng 500 triệu đồng và cộng tổng cả chi phí lăn bánh cũng chỉ khoảng 700 triệu đồng.
Khó định giá, mức biến động giá lớn được xem là một trong những nguyên nhân khiến khách hàng mua xe VinFast Lux hay VinFast Fadil gặp khó khi vay ngân hàng, kể cả với xe cũ và xe mới.
Không riêng xe xăng VinFast khó vay
Giới kinh doanh cho biết không riêng xe xăng VinFast mà việc vay mua ô tô nói chung trong giai đoạn này cũng khó hơn, do chịu ảnh hưởng từ việc ngân hàng siết vốn. Chính sách cho vay mua ô tô thì vẫn có nhưng điều kiện giải ngân thì phức tạp hơn, hoặc được ký cho vay nhưng đến lúc giải ngân lại bị treo.
Hiện nay, trên thị trường cũng có vài mẫu ô tô dừng bán đã bị ngân hàng dừng cho vay hoặc thời gian áp dụng cho vay ngắn hơn. Có thể kể đến như một số mẫu xe của Chevrolet hoặc một vài mẫu đã "khai tử" tại thị trường Việt Nam của Ford như Focus hay Fiesta.
Tùy vào mức độ thanh khoản của thị trường mà ngân hàng sẽ cân đối thời hạn cho vay. Ví dụ, một mẫu ô tô cũ của thương hiệu Nhật Bản sẽ bị dừng cho vay sau 7-11 năm tùy loại, nhưng với các mẫu đã khai tử có thể chỉ là 3-5 năm hoặc dừng cho vay.
Ngày 15/7, VinFast chính thức công bố dừng kinh doanh xe ô tô chạy xăng, sau khi lô xe Lux và Fadil cuối cùng đã được khách hàng đặt mua hết. Hãng dự định tập trung sản xuất đến cuối tháng 8 để bàn giao xe cho các khách hàng đã ký hợp đồng, sau đó tập trung hoàn toàn vào xe điện.
Hiện nay, VinFast đang bàn giao xe VF e34 cho khách hàng nhưng số lượng vẫn còn cách xa so với lượng đơn nhận đặt cọc trước đó. Hãng cũng liên tục tổ chức các hoạt động liên quan đến VF 8 và VF 9, tuy nhiên chưa có thời gian bàn giao chính thức đối với hai mẫu xe này.