Quảng Trị:

Hơn 300 ô tô biển số Lào vào Việt Nam rồi “mất tích”

Công an tỉnh Quảng Trị đã bắt 4 đối tượng trong vụ án “mua bán xe trái phép” và “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhằm hợp thức hóa ô tô Lào thành ô tô Việt Nam để lưu hành trái phép. Giá mỗi bộ hồ sơ giả này là khoảng 35 triệu đồng.

Theo nghị định thư giữa Lào - Việt Nam, ô tô của hai nước được phép lưu hành trên lãnh thổ của nhau (tạm nhập) trong thời gian tối đa 30 ngày. Song, trong hai năm qua, có hơn 300 chiếc ô tô Lào tạm nhập vào Việt Nam quá hạn tạm nhập mà chưa làm thủ tục tái xuất.

 

Hơn 300 ô tô Lào vào và “mất tích” tại Việt Nam

 

Ông Ngô Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Hải Quan cửa khẩu Lao Bảo, cho biết từ năm 2007 đến nay có 326 chiếc xe Lào tạm nhập vào Việt Nam đã quá hạn nhưng chưa làm thủ tục tái xuất và cơ quan này không thể nắm được chúng đang “lưu lạc” ở đâu. “Chúng tôi đã lập danh sách báo cáo với Tổng cục Hải quan để phối hợp cùng các cơ quan chức năng xác minh làm rõ và có biện pháp xử lý”, ông Tuấn nói.

 

Hơn 300 ô tô biển số Lào vào Việt Nam rồi “mất tích” - 1

 

Lãnh đạo Cục hải quan Quảng Trị xác nhận, mỗi năm có hàng nghìn chiếc xe Lào tạm nhập vào Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo để giao lưu đi lại, trao đổi buôn bán rồi tái xuất về Lào. Song, tình trạng xe tạm nhập vào Việt Nam đã quá hạn mà không làm thủ tục tái xuất cũng rất nhiều. Điều đáng nói là do chính sách thuế khác nhau giữa Việt Nam và Lào, nên giá ô tô ở Lào rẻ hơn ở Việt Nam hàng chục nghìn USD. Phần lớn xe tạm nhập vào Việt Nam có giá trị cao. Vậy những chiếc xe này đang nằm ở đâu và liệu bao nhiêu trong số đó đã được hợp thức hóa để lưu hành trái phép trong nội địa?
 
Kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Quảng Trị đã phần nào hé lộ câu trả lời cho câu hỏi này.

 

Chuyên án được bắt đầu vào cuối năm 2008, khi Công an Quảng Trị được Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới thủy bộ Quảng Trị cung cấp thông tin, phát hiện bộ giấy tờ ô tô không hợp lệ, nghi là giả. Bộ giấy tờ này gồm một giấy đăng ký số A0086315 và sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ số B0215305 mang tên Trần Thanh Nhàn, được ông Nguyễn Văn Cư xuất trình khi đăng kiểm cho chiếc ô tô biển kiểm soát 52T-2356. 

 

35 triệu đồng một bộ hồ sơ giả

 

Vừa qua, lực lượng Hải quan đã phát hiện nhiều trường hợp nhập khẩu ô tô thuộc diện miễn thuế nhưng sau đó đã được sử dụng khác với mục đích ban đầu. Như tại TP HCM, có 223 ô tô có chủ xe là người ngoại giao đã hết thời hạn công tác tại Việt Nam, nhưng chưa làm thủ tục tái xuất, chuyển nhượng xe.

Sau một thời gian điều tra, xác minh, Công an tỉnh Quảng Trị đã bước đầu phanh phui đường dây “mua bán xe trái phép” và “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” với sự tham gia của bốn người: Nguyễn Thanh Trọng, Hoàng Kim Đặng, Nguyễn Tiến Khoa, Trần Thanh Bình.

 

Theo đó, vào khoảng đầu năm 2008, Nguyễn Tiến Khoa (trú tại Đắc Lắc) đã móc nối với Hoàng Kim Đặng, Giám đốc Công ty Xuân Việt có trụ sở tại Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) để làm giả giấy tờ, biển số… xe Việt Nam cho xe có nguồn gốc từ nước Lào với giá là 22 triệu đồng. Sau đó, Đặng đã nhận của Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Mục Đa Hán tại Lao Bảo, Nguyễn Thi Kim Lan (chị ruột của Minh) tại Khe Sanh 3 bộ hồ sơ ô tô (photo) hiệu Hyundai biển kiểm soát Lào: rr 3629; 0575; 5514 và đưa trước 50 triệu đồng đặt để làm giấy tờ giả, biển số giả cho ba chiếc xe này (với giá 35 triệu đồng một bộ hồ sơ xe).

 

2 trong 3 bộ hồ sơ xe Lào này đã được Nguyễn Tiến Khoa giao cho Trần Thanh Bình tại TP HCM để hợp thức hóa thành xe Việt Nam với giá 5 triệu đồng, bộ còn lại được Khoa mang ra Hải Phòng. Đặng tiếp tục môi giới cho Khoa làm giả hồ sơ hai chiếc xe khác, mang biển số Lào và của Hoàng Trọng Quý (người dân) và Nguyễn Thanh Trọng (cán bộ Hải Quan Lao Bảo).

 

Công an Quảng Trị cũng đã làm rõ, ngày 16/5/2008, Nguyễn Thanh Trọng đã ra Quảng Bình làm thủ tục tạm nhập cho hai chiếc xe Lào trên qua đường của khẩu Cha Lo, rồi lấy giấy tờ xe Lào này để Đặng gửi ra Hải Phòng và nhờ người có hộ khẩu ở đây đứng tên để Khoa làm giả giấy tờ xe Việt Nam với điều kiện sau hai 2 - 3 năm mới rút hồ sơ được.

 

Điều đáng nói, trên giấy tờ, hai chiếc xe Lào này được Trọng làm thủ tục tạm nhập vào Việt Nam qua của khẩu Chao Lo, song cơ quan điều tra đã xác minh hai chiếc xe Lào ấy chưa hề đi qua Cửa khẩu Cha Lo?

 

Thượng tá Trần Ngọc Cư trưởng phòng PC14 Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, vụ án tiếp tục được điều tra mở rộng.

 

Theo Võ Linh

Báo Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm