Hàng loạt thành phố lên kế hoạch "xoá sổ" xe chạy bằng xăng, dầu
(Dân trí) - Hai thành phố mới nhất lên kế hoạch cấm hoàn toàn xe chạy bằng xăng dầu là Los Angeles (Mỹ) và Amsterdam (Hà Lan).
Cụ thể, thành phố Los Angeles vừa công bố mục tiêu từ năm 2050 sẽ chỉ có xe chạy điện lưu thông trên đường phố. Đây là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Thị trưởng Eric Garcetti - có tỷ lệ 25% lượng xe lưu thông trong thành phố là xe chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2025, đạt 80% vào năm 2035, và 100% vào năm 2050.
Không chỉ có vậy, theo trang Electrive, chính quyền thành phố Los Angeles còn muốn đến năm 2028, toàn bộ xe buýt đưa đón học sinh phải là xe không khí thải và đến năm 2034 đến lượt toàn bộ xe chở hàng trong thành phố.
Ngoài ra, kế hoạch này còn đặt mục tiêu đưa vào hoạt động 20 trung tâm sạc nhanh cho xe chạy điện và 100% taxi ở Los Angeles là xe chạy điện vào năm 2028.
Thị trưởng thành phố cũng muốn giảm thời gian lưu thông của các phương tiện từ mức trung bình 15 dặm/ngày (24 km) xuống còn 13 dặm (20,9 km) vào năm 2025 và 9 dặm (14,4 km) vào năm 2035. Ông tin rằng có thể đạt được mục tiêu này bằng cách mở rộng hệ thống giao thông công cộng và áp dụng chính sách thu phí tắc đường ở một số khu vực trong thành phố.
Trong khi đó, hội đồng thành phố Amsterdan ở Hà Lan cũng đã lên kế hoạch cấm hoàn toàn xe chạy xăng, dầu từ năm 2030, trong một nỗ lực nhằm giảm ô nhiễm không khí.
“Ô nhiễm là sát thủ giấu mặt và một trong những mối nguy lớn nhất đối với sức khoẻ của người dân thành phố Amsterdam,” uỷ viên hội đồng thành phố Sharon Dijksma cho biết khi công bố quyết định trên.
Theo hãng tin Reuters, từ năm sau, ô tô động cơ diesel từ 15 năm tuổi trở lên sẽ bị cấm lưu thông ở đường vành đai A10 chạy quanh thủ đô của Hà Lan.
(Ảnh: The Guardian)
Xe buýt công cộng chạy bằng xăng dầu sẽ bị cấm vào trung tâm thành phố từ năm 2022. Đến năm 2025, lệnh cấm sẽ mở rộng sang ca-nô du lịch và xe gắn máy.
Đến năm 2030, tất cả phương tiện lưu thông trong thành phố phải là loại không có khí thải.
Chính quyền thành phố Amsterdam khuyến khích người dân chuyển sang dùng ô tô chạy điện và hydro bằng hỗ trợ chi phí sạc điện cho xe.
Cần phải có 16.000 - 23.000 trạm sạc vào năm 2025 mới có thể thực hiện kế hoạch trên, cao gấp nhiều lần con số 3.000 trạm sạc hiện nay trong thành phố.
Do tình hình giao thông đông đúc ở các thành phố như Amsterdam, Maastricht và Rotterdam mà ô nhiễm không khí ở Hà Lan hiện cao hơn nhiều so với ngưỡng cho phép của châu Âu. Người ta đang lo ngại rằng lượng NO2 và khí thải ô nhiễm sẽ gây bệnh cho ngày càng nhiều người dân.
Tuy nhiên, Hiệp hội Rai - nhóm vận động hành lang của ngành ô tô - đã kịch liệt phản đối kế hoạch này của chính quyền thành phố. Người phát ngôn của tổ chức này cho rằng hàng chục nghìn gia đình không có khả năng mua xe chạy điện sẽ phải chịu lạnh. Quy định này sẽ biến Amsterdam trở thành thành phố của nhà giàu.
Trước Los Angeles và Amsterdam, nhiều thành phố ở khắp nơi trên thế giới đang lên kế hoạch cấm hoặc hạn chế xe chạy bằng xăng, dầu.
Năm ngoái, thành phố Madrid (Tây Ban Nha) bắt đầu hạn chế xe động cơ xăng sản xuất trước năm 2000 và xe động cơ diesel sản xuất trước năm 2006. Thành phố Rome (Italy) cũng đã cam kết cấm xe động cơ diesel vào trung tâm thành phố từ năm 2024.
Trong khi đó, chính phủ Đan Mạch đã thể hiện mong muốn cấm bán xe động cơ xăng và diesel từ năm 2030 và xe hybrid từ năm 2035.
Giữa năm 2017, Pháp cho biết sẽ chính thức cấm toàn bộ xe chạy xăng và diesel vào năm 2040. Ngay sau đó, chính phủ Anh cũng công bố kế hoạch cấm xe chạy bằng xăng và diesel từ năm 2040 nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Nhật Minh