Giới chức EU và Trung Quốc sẽ gặp mặt để giải quyết mâu thuẫn về thuế ô tô

Phạm Trung Đức

(Dân trí) - Phía Đức và Trung Quốc tin rằng xung đột về thuế quan có thể được giải quyết bằng những đối thoại đơn giản.

Ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ bổ sung mức thuế khả biến  lên tới 38,1% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, lãnh đạo hai bên đã trao đổi qua điện thoại vào cuối tuần trước và nhất trí rằng cần thảo luận thêm về các mức thuế.

EU cho rằng xe điện Trung Quốc được chính phủ trợ giá một cách không công bằng, còn Trung Quốc cáo buộc EU theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và vi phạm các quy tắc thương mại.

Giới chức EU và Trung Quốc sẽ gặp mặt để giải quyết mâu thuẫn về thuế ô tô - 1

Hôm 12/6, Ủy ban châu Âu đã công bố kết quả điều tra cho thấy xe thuần điện Trung Quốc, cùng với chuỗi cung ứng, đã được trợ giá gây cạnh tranh thiếu công bằng (Ảnh minh họa: BYD).

Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết ông đã nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc - ông Wang Wentao - về các khoản thuế và sẽ "tiếp tục tham gia thảo luận ở mọi cấp độ trong những tuần tới".

Ông Wang cũng đã gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck vào ngày 22/6.

Bộ Thương mại Trung Quốc dọa sẽ kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, và trong một bài đăng trên Facebook đã nói rằng ông Wang Wentao thể hiện rõ thái độ phản đối các mức thuế mới khi trao đối với ông Habeck.

Đức đã lên tiếng phản đối việc áp thêm thuế với xe điện của Trung Quốc. Tập đoàn Stellantis cũng phản đối.

"Ông Habeck nói rằng Đức và Trung Quốc đều là những bên ủng hộ và hưởng lợi từ toàn cầu hóa", Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong bài đăng trên Facebook.

"Tình hình thế giới hiện nay rất phức tạp và hỗn loạn, với chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng. Quan ngại sâu sắc với cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện Trung Quốc, chính phủ Đức tin rằng việc này sẽ tác động tiêu cực đến quá trình chuyển đổi xanh và lợi ích người tiêu dùng châu Âu, đồng thời lo rằng lợi ích của các nhà sản xuất ô tô Đức tại Trung Quốc có thể bị tổn hại.

Trong tình hình hiện tại, sử dụng hàng rào thuế quan là biện pháp tệ nhất, sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn làm leo thang xung đột thương mại.

Phía Đức đồng ý với đề xuất của Trung Quốc hướng tới giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và sẽ chuyển vấn đề này lên Ủy ban châu Âu (EC). Hy vọng hai bên sẽ tìm được giải pháp khả thi thông qua tham vấn và đàm phán với cách tiếp cận mang tính xây dựng", Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.

Đáp lại việc EU quyết định tăng thuế đối với xe điện của Trung Quốc, các nhà sản xuất ô tô nước này đã đề nghị chính phủ có biện pháp đáp trả, áp thuế 25% đối với xe động cơ đốt trong dung tích lớn nhập khẩu từ châu Âu.

Theo Carscoops