Giá ô tô cũ lao dốc trước khi phí trước bạ giảm 50%
Ô tô mới liên tiếp giảm giá kết hợp thông tin giảm 50% phí trước bạ cho xe nội, khiến giới kinh doanh ô tô cũ như ngồi trên lửa.
Ô tô mới liên tiếp giảm giá kết hợp với thông tin giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước khiến giới kinh doanh ô tô cũ như ngồi trên đống lửa. Nhiều đại lý ô tô cũ phải bán lỗ để thu hồi vốn bởi càng găm hàng càng mất giá.
Ô tô cũ vắng khách vì xe mới giảm giá, phí
Sáng 10/6, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một loạt các đại lý, showroom ô tô cũ trên đường Trần Thái Tông và Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có rất ít khách ghé thăm, dù trong gara chật ních xe trưng bày.
Tại showroom Phú Hưng Auto (đường Trần Thái Tông), nhân viên tư vấn bán hàng tên H. đang giới thiệu cho khách chiếc Hyundai Elantra 2.0 AT đời 2018 đã đi được 30.000km với mức giá 605 triệu đồng.
Trước mức giá này, chị Nguyễn Thị Yến (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lưỡng lự cho biết, so với giá niêm yết hiện tại của hãng là 699 triệu đồng cho xe đời 2020 cũng không giảm được bao nhiêu.
“Bây giờ mua xe mới sẽ mất thêm phí trước bạ hơn 80 triệu nhưng trong trường hợp giảm phí trước bạ 50% thì chỉ còn 40 triệu nhưng cũng phải 2 tháng nữa mới áp dụng. Mua xe này chị không mất nhiều thuế, phí, chỉ mất 2% phí sang tên khoảng 12 triệu đồng, vẫn tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng, mà xe vẫn còn mới”, nhân viên tên H. cố gắng thuyết phục chị Yến chốt hợp đồng. Tuy nhiên dù được tư vấn nhiệt tình, chị Yến vẫn quyết định ra về.
Theo anh H., trước thông tin giảm phí, thuế, đối với những xe cũ loại nhập khẩu không ảnh hưởng nhiều, đại lý vẫn có thể bán vài chiếc một tuần nhưng xe lắp ráp thì gặp khó khăn.
Có mặt tại showroom Sàn ô tô Thủ đô (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy) trong sáng 9/6, PV Báo Giao thông ghi nhận tình hình kinh doanh có vẻ khá khẩm hơn khi vẫn có một vài khách tới xem và ký hợp đồng. Trao đổi với PV, chủ showroom này cho hay, trước đây khi không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và chưa có thông tin giảm phí trước bạ, mỗi tháng showroom bán được 40 - 50 xe nhưng nay chỉ bán được khoảng 10 - 15 xe, đủ để duy trì cửa hàng, không phải đóng cửa.
Anh Hà Minh Tú (Sàn ô tô Kinh Bắc, 10 Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chuyên buôn bán ô tô đã qua sử dụng cho hay, khi hết giãn cách xã hội, tình hình kinh doanh có vẻ khả quan hơn song vẫn tương đối khó khăn. Tuy nhiên thời gian tới, việc kinh doanh xe đã qua sử dụng sẽ còn khó khăn hơn khi việc giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp đăng ký mới được áp dụng. Khi ấy, giá lăn bánh xe đăng ký mới giảm cũng khiến xe cũ phải giảm giá theo thì mới có khách.
“Giờ này, ô tô cũ cũng đang rục rịch phải giảm giá dần để bán, tránh bị tình trạng “ôm” hàng giá cao đến khi xe mới giảm giá, phí lại phải bán lỗ. Mức giảm lệ phí trước bạ chỉ áp dụng cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước thì xe cũ lắp ráp phải giảm giá là điều đương nhiên. Thế nhưng để cạnh tranh, xe lắp ráp được ưu đãi thì xe nhập khẩu cũng sẽ giảm giá và khi đó xe cũ nhập khẩu phải giảm theo”, anh Tú cho biết.
Sáng 10/6, anh Tú cho biết, chiếc Mazda CX-5 đời 2014 vừa được nhập về. Chiếc xe này được rao bán khoảng 635 triệu đồng nhưng nếu việc giảm 50% lệ phí trước bạ có hiệu lực thì giá này không thể bán được, để lâu có thể phải chịu lỗ từ 10 - 20 triệu đồng. Tại đây cũng đang có một chiếc Toyota Innova 2008 nhập trước Tết nhưng cũng chưa bán được, nay buộc phải giảm 10 - 20 triệu đồng so với thời điểm đó. Mức giảm sâu nhất tại sàn ô tô này có chiếc Hyundai Grand i10 đời 2014, trước Tết rao bán 340 triệu đồng nhưng vẫn chưa bán được và hiện chỉ còn được rao bán 280 triệu đồng.
Chịu lỗ để bán lấy vốn
Ngán ngẩm, anh Hà Minh Tú chia sẻ: “Bây giờ bán xe cũ lãi thì quá vui rồi, hòa thì mừng còn lỗ cũng phải chịu. Ô tô cũ bây giờ chịu lỗ để bán lấy vốn là chuyện bình thường”.
Nhân viên showroom Phú Hưng Auto cho biết thêm, với những xe mới mua về, khách đến xem ưng luôn thì không bị mất giá nhưng với các xe đã mua về khoảng vài tuần, đại lý vẫn phải bán cắt lỗ khoảng vài chục triệu đồng để thu hồi vốn.
Cũng theo anh này, các xe giá cao trên 1 tỷ đồng thường phải cắt lỗ nhiều hơn nên hiện nay showroom tập trung nhập và bán các xe có giá khoảng 400 - 500 triệu đồng, phù hợp với nhu cầu khách hàng và cũng ít bị lỗ.
Nhiều người kinh doanh ô tô cũ cho hay, khi áp dụng mức giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp đăng ký mới, những mẫu xe được sản xuất từ năm 2015 - 2016 đến nay sẽ chịu ảnh hưởng mạnh. Còn những xe sản xuất trước đó sẽ không phải giảm giá nhiều. Bởi những xe từ năm 2015 đến nay vẫn được xem là còn khá mới nên nếu giá không thật sự tốt thì nhiều người sẽ có tâm lý cố gắng thêm chút tiền để mua ô tô mới.
Một nhân viên kinh doanh ô tô cũ trên phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay, lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước giảm 50% chắc chắn giá xe cũ cũng phải giảm theo, ít nhất khoảng 5%.
Đặc biệt, các loại “xe lướt”, mới chỉ chạy khoảng 10.000 km trở lại, hay đời xe 2019, sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, giá phải giảm nhiều thì mới có thể bán được.
Một người buôn bán ô tô cũ nhận định: “Ai giờ này mà còn ôm xe sang dạng lướt, mà lại còn sản xuất, lắp ráp như Mercedes-Benz thì đúng là chết dở”. Theo tính toán, mẫu xe Mercedes-Benz sản xuất, lắp ráp có giá bán cao nhất hiện nay khoảng gần 5 tỷ đồng, khi giảm lệ phí trước bạ 50% cũng đồng nghĩa với giá lăn bánh giảm được gần 300 triệu đồng.
Thậm chí, không còn đủ khả năng để ôm xe, nhân viên tại đại lý ô tô V.N trên đường Trần Thái Tông cho hay, để tránh bị lỗ, cửa hàng đã phải chuyển sang hình thức ký gửi thay vì mua đứt về và bán lại.
Theo Yến Chi - Thanh Tùng
Xe Giao thông