Dùng cà phê, nước tăng lực có chống lại được "giấc ngủ trắng" khi lái xe?

Minh Nhật

(Dân trí) - Ngay cả những người cầm lái lâu năm cũng thừa nhận rằng, đôi khi vì chủ quan mà rơi vào tình trạng ngủ tạm thời sau vô lăng, còn gọi là "giấc ngủ trắng".

Tài xế ngủ gật, xe container lao xuống ruộng

Khi cơ thể đã mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi để nạp năng lượng, tài xế dễ rơi vào tình trạng "ngủ gật" nhưng vẫn điều khiển vô lăng. Đây cũng là căn nguyên của không ít những tai nạn giao thông đáng tiếc.

giac_ngu_trang_1

Lý giải kỹ hơn về "giấc ngủ trắng", theo TS.BS Mai Đức Thảo, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), đây là trạng thái ngủ tạm thời. Cụ thể, ngủ là một nhu cầu sống còn đối với cơ thể chúng ta. Giấc ngủ là một trạng thái ức chế, nó có tác dụng bảo vệ vỏ não và do đó nó giúp cho cơ thể hồi phục sức lực.

Trong trường hợp buồn ngủ mà vẫn cố lái xe, nghĩa là cơ thể cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ nhưng lý trí, não bộ vẫn ra lệnh cố gắng không ngủ để lái xe, mắt vẫn mở để quan sát, tay vẫn cầm vô lăng nhưng bộ não có thể rơi vào trạng thái vô thức và thường lái xe chỉ bất ngờ giật mình tỉnh lại khi có ai đó cảnh báo, giật mình hoặc có âm thanh lớn.

giac_ngu_trang_2

TS.BS Mai Đức Thảo, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trạng thái buồn ngủ khi lái xe như: thiếu ngủ trước mỗi chuyến đi; tài xế sử dụng rượu, bia hoặc các loại thuốc cảm cúm, an thần; để chế độ gió không hợp lý dẫn đến thiếu oxy trong xe...

"Việc rơi vào "giấc ngủ trắng" khi đang lái xe dù chỉ trong giây lát là vô cùng nguy hiểm. Trong những trường hợp xấu, "giấc ngủ trắng" có thể gây ra tai nạn thương tâm do tài xế không thể làm chủ tay lái, làm chủ tốc độ. Tình trạng này có thể gặp phải ở bất kể tài xế nào, kể cả những người lái xe có kinh nghiệm lâu năm", TS Thảo nhấn mạnh.

Dấu hiệu cảnh báo "giấc ngủ trắng"

giac_ngu_trang_3

Theo TS Thảo, các tài xế có thể nhận biết sớm nguy cơ rơi vào trạng thái "giấc ngủ trắng" thông qua các dấu hiệu:

- Khó tập trung.

- Bỏ qua các biển báo giao thông.

- Trượt xe mất lái.

- Không theo dõi được thời gian.

- Mơ màng.

- Mí mắt nặng và chớp mắt thường xuyên.

- Ngáp thường xuyên.

- Cảm thấy không yên hoặc dễ bị kích động.

Cà phê, nước tăng lực có giúp tài xế chống lại "giấc ngủ trắng"?

Một tài xế đang lờ đờ, mệt mỏi bỗng bừng tỉnh và tràn đầy năng lượng để tiếp tục hành trình chỉ với việc... uống vài ngụm nước tăng lực/cà phê, đó là hình ảnh không khó để bắt gặp trong những đoạn quảng cáo về loại sản phẩm này.

Dưới góc nhìn chuyên môn, TS Thảo nhận định, nước tăng lực cũng như cà phê là những loại thức uống có chứa caffeine, taurine… khi uống đúng là có thể giúp tỉnh táo, nhưng chỉ trong thời gian ngắn và nếu dùng quá nhiều thì lại có tác dụng không tốt đối với sức khỏe. 

Dùng cà phê, nước tăng lực có chống lại được giấc ngủ trắng khi lái xe? - 4

Cụ thể, chuyên gia này phân tích, caffeine có tác dụng kích thích thần kinh, gây hưng phấn, tỉnh táo nhưng lại có thể gây ra các phản ứng phụ như tăng nhịp tim, tạo cảm giác lo lắng, buồn bã, làm rối loạn giấc ngủ, gây bứt rứt và run rẩy. 

Taurine có tác động tích cực lên hệ tim mạch, hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Chất này có khả năng làm giảm triệu chứng lo âu do caffeine tạo ra. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ở Mỹ cho biết taurine có thể là nguyên nhân khiến người uống cảm thấy mệt mỏi hơn sau khi giai đoạn tỉnh táo nhờ nước tăng lực qua đi.

"Các loại nước tăng lực chỉ có tác dụng tạm thời, trong khoảng thời gian nhất định và có nhiều tác dụng không tốt khi dùng nhiều. Do đó để chống lại "giấc ngủ trắng" thì những thứ này không phải là giải pháp hữu hiệu", TS Thảo cho hay, "dù vậy, nếu ở trong tình huống thực sự cần uống, bạn nên chọn loại không đường và có hàm lượng caffeine thấp".

Giải pháp hiệu quả để chống lại "giấc ngủ trắng"

giac_ngu_trang_4

Để chống lại "giấc ngủ trắng", các tài xế có thể áp dụng các biện pháp sau:

Ngủ đủ giấc trước khi lái xe 

Cách tốt nhất để chống ngủ gật là phải ngủ đủ, nhất là với những người lái xe không chuyên. Nếu phải cầm lái trong một hành trình dài, nên đảm bảo trước đó lái xe đã ngủ đủ ít nhất 6-7 tiếng để cơ thể tỉnh táo, minh mẫn nhất.

Nên tránh lái xe vào đúng giờ ngủ: Lái xe vào buổi trưa, vào nửa đêm về sáng.

Chia chặng đường, nghỉ ngơi nhiều hơn

Những người có kinh nghiệm luôn khuyên các tài xế không nên lái xe liên tục quá 3 tiếng. Tài xế cũng cần nghỉ ngơi giữa mỗi chặng để dành thời gian nạp năng lượng, uống nước, rửa mặt, đi vệ sinh,… để cơ thể có trạng thái tốt nhất.

Nếu đi đường dài tốt nhất là có 2 lái xe để có thể thay đổi lái, tránh mệt mỏi và buồn ngủ.

Cần dừng xe nghỉ ngơi lập tức nếu cảm thấy nguy cơ rơi vào trạng thái "giấc ngủ trắng" thông qua các dấu hiệu nhận biết.

Không uống rượu bia, thuốc gây buồn ngủ trước khi lái xe

Rượu, bia, một số loại thuốc có thể gây ức chế thần kinh, khiến bạn dễ buồn ngủ. Hơn nữa, việc sử dụng rượu, bia trước khi lái xe còn là hành vi bị nghiêm cấm.

"Nhịp sinh học của mỗi người mỗi khác, do vậy các tài xế trước khi tham gia giao thông tốt nhất nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khoa học để có sức khỏe tốt nhất, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra", TS Thảo nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm