Doanh số ô tô cuối năm có thể tăng vọt, lợi thế nghiêng về xe lắp ráp

Gia An

(Dân trí) - Nếu việc giảm 50% lệ phí trước bạ được thông qua sẽ trở thành động lực thúc đẩy khách hàng Việt mua sắm ô tô, đồng thời các hãng xe cũng phải tính chuyện lắp ráp trong nước để được hưởng ưu đãi.

Phan Hội, làm việc trong lĩnh vực quảng cáo ở Hà Nội, phân vân giữa việc tiếp tục đi chiếc Kia Optima đời 2017 hay sẽ chuyển sang Kia K5 mới ra mắt. Không có nhu cầu nâng cấp lên xe sang hay phân khúc cao hơn, việc đổi xe với anh chủ yếu vì thích cái mới và trải nghiệm công nghệ.

Tuy nhiên, sau khi nghe thông tin có ưu đãi giảm lệ phí trước bạ, Hội quyết định xuống tiền đặt xe để có thể lăn bánh chiếc Kia K5 trong năm 2021.

Doanh số ô tô cuối năm có thể tăng vọt, lợi thế nghiêng về xe lắp ráp - 1

Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể hưởng lợi thế từ 15/11 (Ảnh minh họa: RT).

Trường hợp của anh Hội chỉ là một trong số không ít khách hàng "mạnh tay" chốt mua xe trước thông tin sắp được giảm lệ phí trước bạ. Thực tế đến nay, đây mới chỉ là dự thảo, khi Bộ Tài chính đang lấy ý kiến xung quanh việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với các loại ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. 

Đặt cọc mua xe, chờ chính sách

Thông tin về việc sắp có ưu đãi lệ phí trước bạ đã "râm ran" từ đầu tháng 10 và nóng lên sau khi dự thảo được đưa ra. Dù chưa có quyết định chính thức, một số khách hàng đã đặt cọc mua xe với mong muốn được hưởng ưu đãi kép.

Hiện nay, nhiều hãng ô tô tung các chương trình khuyến mại cho khách hàng. Chẳng hạn tất cả các dòng xe của Mitsubishi (trừ Triton) được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, tương đương số tiền mua xe giảm được vài chục triệu đồng. Trong khi đó đại lý Honda giảm 70 triệu đồng cho CR-V hay Mazda CX-8, Mazda3, Mazda CX-5… cũng được ưu đãi vài chục triệu đồng.

Doanh số ô tô cuối năm có thể tăng vọt, lợi thế nghiêng về xe lắp ráp - 2

Theo khảo sát, lượng khách tìm hiểu mua xe tăng vọt sau khi có thông tin về dự thảo giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô từ 15/11 (Ảnh minh họa: An Huy).

Nếu đặt cọc trong tháng 10, khách sẽ được hưởng trọn vẹn các khuyến mại này. Trong khi đó việc đăng ký có thể tiến hành sau khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ chính thức có hiệu lực. Nhờ vậy mà số tiền khách hàng tiết kiệm được có thể trên 10% giá trị xe, tương đương 100% khoản lệ phí trước bạ.

Sở dĩ có tâm lý đặt cọc mua xe khi chưa có quyết định chính thức bởi khách hàng lo ngại đến khi chính sách được thực thi thì các hãng xe sẽ cắt khuyến mại. Câu chuyện này đã xảy ra hồi năm 2020, khiến số tiền thực tế mà người mua tiết kiệm được hầu như không đổi. 

Khảo sát tại hệ thống showroom Kia-Mazda ở Hà Nội, một quản lý bán hàng cho biết, lượng người tới showroom tăng đột biến những ngày cuối tháng. Trong đó, số khách đặt cọc mua xe đã tăng 50% so với tháng 9. "Số hợp đồng ký nhiều lên nhưng khách chưa vội lấy xe ngay mà chờ chính sách mới đi đăng ký", người này cho biết thêm.

Trong 6 tháng đầu năm 2020 khi chưa áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, lượng xe tiêu thụ trung bình mỗi tháng đạt khoảng 17.574 chiếc. Sau khi chính sách hỗ trợ được thực thi, số xe đăng ký đã tăng hơn gấp đôi. Một số chuyên gia cho rằng việc chính sách hỗ trợ được tái áp dụng sẽ là "ngòi nổ" cho thị trường xe thời gian tới.

Xe lắp ráp hưởng lợi thế

Theo đề xuất thì việc giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ chỉ áp dụng với xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Do đó, lợi thế có thể nghiêng về các mẫu ô tô "nội" và buộc các hãng phải điều chỉnh chính sách.

Doanh số ô tô cuối năm có thể tăng vọt, lợi thế nghiêng về xe lắp ráp - 3

Chính sách ưu đãi cho "xe nội" có thể mang đến nhiều thay đổi cho thị trường (Ảnh: An Huy).

Chẳng hạn, Toyota Corolla Cross và Kia Seltos "đua song mã" trong phân khúc xe gầm cao đô thị. Tuy nhiên, nếu chính sách ưu đãi được thông qua, mẫu xe của Kia tới đây sẽ hưởng lợi thế khi giá lăn bánh rẻ đi 30-40 triệu đồng. Ngược lại, Corolla Cross do nhập khẩu Thái Lan nên nằm ngoài phạm vi áp dụng. 

Tương tự, Kia Sonet với mức giá 499-609 triệu đồng, sắp tới có thể được giảm khoảng 30 triệu đồng phí trước bạ. Trong khi đó, Toyota Raize với mức giá dự kiến khoảng 550 triệu đồng nhưng do là xe nhập khẩu nên chi phí lăn bánh cuối cùng có thể không chênh lệch nhiều so với đối thủ Kia Sonet.

Ở phân khúc xe bán tải, Ford Ranger là đại diện duy nhất được lắp ráp trong nước. Nhờ vậy mà mẫu xe này đang bán tốt có thể lại càng thêm lợi thế. Tương tự vậy trong nhóm xe sang, Mercedes-Benz đang có lợi thế về giá bán với nhiều model lắp ráp trong nước, tới đây thêm hấp dẫn hơn trước BMW, Audi hay Lexus đều là xe nhập khẩu.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến xung quanh việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời gian dự định áp dụng từ 15/11 năm nay đến hết ngày 15/5 năm sau.

Tuy nhiên, nếu Chính phủ ký ban hành Nghị định sau ngày 15/11, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến hết tháng 5/2022.