“Đồ chơi” ô tô - Băn khoăn người mua, kẻ bán
Thị trường “đồ chơi” ô tô trong nước đang phát triển tỷ lệ thuận với số lượng xe, nhưng cả khách hàng và người kinh doanh đều thấy băn khoăn...
Người mua: hoài nghi… Giá sản phẩm có tương xứng với chất lượng? Có lẽ đây là điều không ít khách hàng băn khoăn. Tại Hà Nội có hàng loạt cửa hàng đồ chơi ô tô trên đường Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Trần Khát Chân… và nhiều cửa hàng nằm rải rác trên khắp các tuyến phố. Các gara ô tô cũng sẵn sàng cung cấp “đồ chơi” xe “từ A đến Z” cho khách hàng có nhu cầu. Những tấm biển lớn với nội dung: Đồ chơi xe hơi cao cấp, Phụ tùng ô tô chính hiệu, đồ chơi ô tô Đức - Mỹ -Nhật… được sử dụng như lời mời chào hấp dẫn. Tuy nhiên, một người kinh doanh “đồ chơi” ô tô lâu năm khẳng định: “Phần lớn đồ chơi ô tô tại thị trường Việt Nam được nhập từ Trung Quốc”. Cũng theo anh, trên thị trường “đồ chơi” ô tô hiện nay, “hàng hiệu”’ và “hàng chợ” khá nhập nhằng. Mẫu mã của chúng tương đối giống nhau nhưng giá cả và chất lượng lại chênh lệch nhiều. Không phải dân chuyên nghiệp thì khó có thể phân biệt được các dòng hàng nếu chỉ nhìn bằng mắt. Mặt hàng “đồ chơi” ô tô chưa được quản lý chặt chẽ nên khách hàng có thể rơi vào tình cảnh mua “hàng chợ” với giá “hàng hiệu”. Đa số phụ tùng xe hơi được bày bán là hàng Trung Quốc “Đồ chơi” xe hơi hiện được bán khá đa dạng với hàng trăm mặt hàng từ nội thất đến ngoại thất, thiết bị bảo vệ, thiết bị định vị, dụng cụ chăm sóc xe… Thị trường “đồ chơi” ô tô Việt Nam cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của đa số người dùng ô tô trong nước vốn chẳng ưa chuyện “độ” xe, nhưng chưa thể làm thỏa mãn các “dân chơi”. Để tìm đồ chơi chính hiệu cho những chiếc xe sang hay “độ” một chiếc xe ấn tượng, người chơi xe vẫn phải mất thời gian chờ đợi đặt hàng từ nước ngoài và chịu giá "qua tay" cao ngất ngưởng. Đóng góp vào thị trường đồ chơi ô tô còn phải kể tới bộ phận kinh doanh nhỏ lẻ không cần cửa hàng, biển hiệu. Tin rao vặt về đồ chơi ô tô “xách tay”, “giá mềm”… ngày càng xuất hiện nhiều trên Internet. Nhưng có thể người mua những sản phẩm này sẽ bị biến thành “gà” vì không phải ai cũng am hiểu về giá trị thực của các món hàng và cũng chẳng có gì đảm bảo những món hàng “xách tay” không phải là hàng “nhái” mác xịn. Để cạnh tranh, chiêu thức khuyến mãi, giảm giá, bảo hành dài hạn…được các cửa hàng đồng loạt áp dụng. Nhiều công ty còn mở website bán hàng qua mạng, treo banner quảng cáo ở nhiều trang. Hầu hết các cửa hàng đều có nhân viên lắp đặt phục vụ tận nơi khi khách yêu cầu. Việc bọc ghế da cần những người thợ khéo léo và cẩn trọng Tuy nhiên, tay nghề của thợ cũng khiến không ít người ái ngại. Một số “nạn nhân” đã lên tiếng trên diễn đàn bởi những chuyện “dở khóc dở mếu” như thợ lắp cản trước che mất cảm biến va chạm, thợ bọc ghế da “vô hiệu hóa” túi khí, rồi chuyện xe trục trặc do thợ đấu nhầm dây điện… Không ít khách hàng than thở vì nhân viên của nhiều tiệm làm “ẩu” hoặc thiếu hiểu biết khiến sản phẩm không đẹp như mong đợi của chủ xe. Có người đặt câu hỏi: “Thợ làm ô tô có được đào tạo bài bản? Nhìn thợ “hành” xe người khác mà xót ruột, chẳng muốn cho đụng tới xe mình. Không cẩn thận lại “giao trứng cho ác”!”. Ngươi bán: Kinh doanh không dễ “Hầu hết khách hàng chỉ tập trung vào những mặt hàng góp phần trang bị, bảo vệ chiếc xe mà không ảnh hưởng nhiều đến nguyên bản. Những sản phẩm có mức giá trung bình bán chạy hơn do tương xứng với dòng xe và túi tiền của người Việt. Hàng cao cấp không được ưa chuộng do giá khá cao, công ty chỉ nhập khi có khách đặt mua trước,” chị Tâm, quản lý một cửa hàng đồ chơi ô tô trên phố Bạch Đằng, nói về lý do thiếu đồ chơi “độc” và đắt ở Việt Nam. Chỉ những sản phẩm có tác dụng bảo vệ xe như cản trước, cản sau, nẹp cửa, nẹp gương chống trộm, ốp đèn… mới được hầu hết người đi ô tô chú ý. “Ô tô là món đồ giá trị nên ai cũng muốn nó được chắc chắn, an toàn,” anh Đức, nhân viên kinh doanh của một cửa hàng trên phố Trần Nhật Duật giải thích. Và những phụ tùng bảo vệ này thường được chủ xe lắp đặt ngay sau khi mua xe. Nhưng những mặt hàng này giá trị không cao và... lãi cũng không cao. Kinh tế suy thoái khiến nhiều cửa hàng vắng khách Có lẽ mặt hàng được tiêu thụ đều đặn nhất là các thiết bị nghe nhìn, như màn hình LCD, đầu DVD, loa... Theo lý giải của người bán hàng, mặt hàng này bán chạy do mọi đối tượng đều có nhu cầu giải trí. “Hầu hết các sản phẩm điện tử này đều có xuất xứ từ Trung Quốc và có giá không quá 1000 USD. Chỉ “dân chơi” mới dám xuống tay cho những dàn âm thanh “chuẩn” có giá cao gấp nhiều lần,” chị Nga, nhân viên bán hàng ở Hà Đông cho biết. Và chị cũng than thời gian này hàng bán ra rất chậm. Có lẽ vì... sự suy thoái kinh tế toàn cầu. Một số “đồ chơi” công nghệ cao như khóa báo động tích hợp thẻ từ, camera chiếu hậu, bộ cảm biến lùi, thiết bị dẫn đường GPS… đang được giới thiệu nhiệt tình nhưng khách hàng cũng chưa mấy “mặn mà”. Các loại đèn xe, lazăng, … thường chỉ được những khách hàng trẻ tuổi chú ý tới. “Phim cách nhiệt đang là mặt hàng “đắt khách” nhưng sự “đắt khách” này mang tính chất “mùa vụ”. Hết mùa hè, lượng khách sẽ vãn ngay,” một người kinh doanh đồ chơi ô tô trên phố Trần Nhật Duật nói. “Năm nay tình hình kinh doanh không tốt như năm trước. Kinh tế khó khăn chung khiến khách hàng không dễ móc hầu bao cho những món đồ chơi xe giá trị. Kinh doanh khó khăn hơn…,” chị Tâm chia sẻ. Và để tạo niềm tin cho khách hàng, cửa hàng chị chọn cách ghi rõ xuất xứ sản phẩm, niêm yết giá, ghi phiếu bảo hành… “Khách hàng ngày càng khó tính và họ cũng có nhiều lựa chọn hơn. Cạnh tranh bằng giá cả và chất lượng là hướng đi tốt nhất,” chị Tâm tự đúc rút. Theo Autopro