Để phòng cháy xe, cần chú ý bảo dưỡng những bộ phận nào?
(Dân trí) - Ngoài các nguyên nhân khách quan dẫn tới cháy xe, như nhiên liệu kém chất lượng, rơm rạ khô trên đường cuốn vào gầm xe..., còn có nguyên nhân đến từ việc chăm sóc, bảo dưỡng xe không đúng cách.
Xe đắt tiền, xe mới cũng có nguy cơ cháy
Nhân sự việc một chiếc BMW X5 bất ngờ bốc cháy khi đang đi trên đường ở khu đô thị mới Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội vào tối 29/9, hãy cùng điểm qua một số nguyên nhân có nguy cơ cao dẫn tới việc cháy xe, để từ đó có những giải pháp hạn chế rủi ro.
Bên cạnh các nguyên nhân như nhiên liệu kém chất lượng, để những thứ dễ gây cháy bên trong xe, hay rơm rạ khô cuốn vào gầm xe, có hai nguyên nhân chính gây cháy nổ ô tô: chập điện và rò rỉ nhiên liệu.
Nguyên nhân chập điện có thể xuất phát từ nhiều lý do, như việc độ, chế có can thiệp vào hệ thống điện của xe, hoặc vỏ bọc dây điện bị bong tróc, hỏng hóc do quá trình lão hóa tự nhiên, xe thường xuyên đỗ ở nơi có độ ẩm cao dẫn tới hiện tượng mô-ve, hoặc dây điện bị chuột cắn...
Trong khi đó, nguy cơ cháy xe do rò rỉ nhiên liệu đối với ô tô lâu ngày không đi cũng có thể do chuột làm tổ trong khoang động cơ, cắn dây dẫn nhiên liệu.
Ngoài ra, để lót ổ, chuột thường tha giấy rác, rơm rạ vào trong ô tô; khi xe hoạt động, nhiệt độ khoang máy tăng cao, chúng dễ dàng trở thành tác nhân gây cháy.
Cần kiểm tra những bộ phận nào để phòng nguy cơ cháy xe?
Hệ thống dây điện
Nếu trong điều kiện bất khả kháng, hoặc do "quên" mà bạn đã đỗ ô tô một chỗ lâu ngày không đi, thì trước khi sử dụng xe trở lại, bạn cần chú ý kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống dây điện ở những vị trí dễ bị chuột tấn công.
Với các xe đã từng độ, chế liên quan tới hệ thống điện (như độ loa, đèn...), cần đảm bảo rằng việc này không gây quá tải nguồn điện. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra các vị trí đấu nối để loại bỏ nguy cơ hở điện, gây chập cháy.
Với ô tô cũ, cần thường xuyên kiểm tra hệ thống dây điện hơn để sớm phát hiện những hỏng hóc do quá trình lão hóa tự nhiên.
Dây dẫn nhiên liệu
Việc bảo dưỡng định kỳ sẽ giúp tài xế sớm phát hiện nguy cơ mục nứt, hoặc đứt dây dẫn nhiên liệu. Trong trường hợp xe để lâu ngày không đi, đây cũng là bộ phận cần đặc biệt chú ý kiểm tra, do nguy cơ bị chuột cắn.
Ngoài dây dẫn, tất cả các bộ phận liên quan đến nhiên liệu cần được kiểm tra và thay thế định kỳ. Cụ thể, cần thay mới lọc xăng sau mỗi 30.000 km, kiểm tra định kỳ lọc hơi, lọc khí, van thông hơi mỗi năm một lần hoặc khi có đèn cảnh báo trên cụm đồng hồ. Với bình nhiên liệu, cần kiểm tra ngay khi mua xe cũ, hoặc sau khi xe đi qua đoạn đường gồ ghề gạch đá, vì vỏ bình nhiên liệu thường nằm dưới sàn xe có thể bị xây xát, móp méo gây nứt, rò do va đập.