Cuối năm, ô tô nhập khẩu lép vế trước ô tô nội

Nếu như các năm trước, số lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh vào các tháng quý 4 thì năm 2020 này, lượng xe này lại đang có xu hướng giảm. Có nhiều lý do dẫn tới sự sụt giảm này.

Càng về cuối năm, lượng xe nhập càng giảm

Trong nhiều năm trước, những tháng cuối năm là thời gian "đẹp" của nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xe hơi trong nước khi có số lượng xe tăng dần khoảng 10% mỗi tháng. Điều này dễ hiểu vì cuối năm là lúc nhu cầu mua xe của người dân tăng mạnh. Tuy nhiên, năm 2020 có vẻ "hơi khác" so với quy luật hàng năm.

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại (gồm xe con, xe trên 9 chỗ, xe tải, xe chuyên dụng) về Việt Nam trong tháng 11 đạt 12.237 xe, giảm 10,4% so với tháng trước với 13.653 chiếc. Lũy kế 11 tháng đầu năm là 92.261 xe, tương đương trị giá hơn 2 tỷ USD, giảm 30,5% về lượng và 31,2% về trị giá so với cùng kỳ 2019.

Riêng mảng ô tô con, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô của Việt Nam trong 11 tháng qua nhập 68.104 xe, cũng giảm đến 31,4% so với cùng kỳ năm trước. Ba quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều xe nhất vẫn là Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc.

Cuối năm, ô tô nhập khẩu lép vế trước ô tô nội - 1

Xe nhập khẩu có xu hướng giảm vào những tháng cuối năm

Nếu nói thị trường xe hơi trong nước những tháng cuối năm 2020 không sôi động là không chính xác. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 11 toàn thị trường vẫn đạt 36.359 xe, bao gồm 28.755 xe du lịch 7.122 xe thương mại và 482 xe chuyên dụng. Trong đó, doanh số xe du lịch ghi nhận mức tăng trưởng xấp xỉ 13% so với tháng trước.

Và thực tế, dù lượng xe nhập khẩu giảm sâu so với tháng 10 cũng như cùng kỳ năm trước nhưng linh kiện và phụ tùng ô tô các loại nhập về nước lại đạt giá trị 427 triệu USD, tăng 8,2% so với tháng 10.

Mặt hàng này về Việt Nam chủ yếu xuất xứ từ Hàn Quốc với trị giá 113 triệu USD; Thái Lan 86 triệu USD; Nhật Bản với 80 triệu USD và Trung Quốc 75 triệu USD đều tăng so với tháng trước. Bốn quốc gia này chiếm tỷ trọng 83% trong tổng trị giá nhập khẩu mặt hàng này của cả nước trong tháng qua.

"Giải mã" nguyên nhân

Các chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân chính của việc sụt giảm về số lượng xe nhập khẩu là do nhiều quốc gia có lượng xuất khẩu xe mạnh vào Việt Nam như Thái Lan, Indonesia và cả Trung Quốc vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Đại dịch đã làm gián đoạn sản xuất, có giai đoạn bị cắt đứt nguồn cung khiến các nhà máy đặt tại các quốc gia này bị sụt giảm về sản lượng xe. Việc nhập khẩu ô tô trong bối cảnh dịch bệnh cũng khó khăn hơn các năm trước rất nhiều.

Nếu xét về tính kinh tế, các nhà nhập khẩu xe cũng không dám mạnh tay nhập số lượng lớn vào thời điểm cuối năm bởi chỉ 1 tháng nữa là bước sang năm mới, những xe có số VIN sản xuất từ 2020 sẽ gặp khó khăn khi bán vào năm 2021. Đó là chưa kể những xe này có thể bị lỗi thời, tồn kho, lúc đó thiệt hại đối với các nhà nhập khẩu xe là không nhỏ.

Cuối năm, ô tô nhập khẩu lép vế trước ô tô nội - 2

Một số mẫu xe được đưa về lắp ráp hoàn toàn hoặc một phần tại Việt Nam trong năm 2020

Trong năm 2020, một loạt mẫu xe "hot" có doanh số cao tại thị như Toyota Fortuner, Honda CR-V, Mitsubishi Xpander đã được các hãng chuyển về sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam. Với doanh số trên 1.000 chiếc/tháng, những mẫu xe trên đã kéo lượng nhập khẩu giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Một nguyên nhân quan trọng nữa mà các chuyên gia chỉ ra, đó là sự "nổi dậy" của các mẫu xe sản xuất trong nước, đặc biệt là của một loạt "tân binh" với doanh số khủng như KIA Seltos, KIA Soluto hay bộ ba "nhà" Vinfast là Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0.

Cùng với đó là hàng loạt mẫu xe ra mắt bản nâng cấp mới vào dịp cuối năm như Honda City, Hyundai Accent, KIA Sorento, KIA Morning,… khiến sức hút từ các mẫu xe lắp ráp tăng lên đáng kể.

Cuối năm, ô tô nhập khẩu lép vế trước ô tô nội - 3

KIA Seltos được lắp ráp trong nước. Vừa ra mắt thị trường, mẫu xe này đã lập tức tạo nên doanh số ấn tượng.

Và một lý do không thể không nhắc đến đó là xe sản xuất, lắp ráp trong nước đang được hưởng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ trong năm 2020 theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này khiến giá lăn bánh của xe sản xuất trong nước giảm đến vài chục triệu đồng. Nhiều người dân đã ưu tiên mua xe trong nước trước thời điểm 31/12 để "chạy" phí.

Các chuyên gia dự báo, trong năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và xe trong nước không còn được hưởng ưu đãi về lệ phí trước bạ như hiện nay thì lượng xe nhập khẩu sẽ có chiều hướng tăng nhẹ. Tuy vậy, việc đưa những mẫu xe nhập khẩu "ăn khách" về sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam vẫn sẽ là xu hướng trong năm 2021.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm