Mua xe chạy phí trước bạ, chuyện chỉ có ở Việt Nam

Chỉ còn vài tuần nữa là hết năm, đồng nghĩa, mức ưu đãi giảm 50% phí trước bạ sẽ chấm dứt. Nhiều người tiêu dùng Việt Nam sốt xình xịch mua xe chạy phí vì khoản chênh lệch từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.

Thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 hiện đã bước vào tháng cuối cùng và những gì đang diễn ra có nét tương đồng cách đây hơn 10 năm. Lại một cơn sốt mua xe chạy phí trước bạ. 

Với mức giảm 50% phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước theo Nghị định 70/2020 của Chính phủ nhằm giải cứu doanh nghiệp mùa dịch, giá lăn bánh của một chiếc ô tô hạng A như Fadil, Kia Morning... giảm khoảng 20 triệu đồng, một chiếc sedan hạng sang như Mercedes GLC có thể giảm tới gần trăm triệu đồng. Nhớ cú hích này, tiêu thụ xe 2 tháng gần đây đều đạt mức kỷ lục so với cùng kỳ năm trước và hiện đã đạt gần 300.000 xe.

Cũng giống như hơn 10 năm trước khi thị trường ô tô gặp khó khăn, doanh số sụt giảm thì "ánh sáng cuối con đường" xuất hiện. Quyết định 58/2009 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có hiệu lực từ 1/5/2009, ôtô loại dưới 10 chỗ ngồi đồng loạt áp dụng phí trước bạ mới 5-6%, thay cho mức 10-12%. Mức giảm 50% được áp dụng đến hết năm như là giải pháp kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Mua xe chạy phí trước bạ, chuyện chỉ có ở Việt Nam - 1

Một góc Triển lãm lần thứ 6 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) - Vietnam Motor Show 2010

 

Nhờ "cú hích" trên, tổng số xe bán ra cả năm 2009 của các thành viên VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam) tăng trưởng 7% so với năm 2008, đạt 119.460 xe.

Thực tế sau giai đoạn 2008-2009 đã đánh dấu sự vươn lên của thị trường ô tô Việt Nam. Ngoài cán và vượt mốc 100.000 xe, tổng số thu lệ phí trước bạ ô tô cũng tăng chóng vánh, từ 3.363 tỷ đồng năm 2006, đến năm 2008 đạt 7.363 tỷ đồng. Năm 2009, tổng số thu từ phí trước bạ khoảng 7.565 tỷ đồng. Còn năm 2010, số thu phí trước bạ đã lên 9.209 tỷ đồng.

Đến nay, nguồn thu từ trước bạ ô tô tăng dần qua các năm và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu tất cả các loại lệ phí trước bạ, như 19.049 tỷ đồng (năm 2017), 22.593 tỷ đồng (2018) và 29.989 tỷ đồng (2019).

Không thể phủ nhận, nguồn thu từ phí trước bạ ô tô đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Càng nhiều xe lăn bánh trên đường phố, nguồn đóng góp này sẽ càng lớn. 

Tuy nhiên, từ góc độ người tiêu dùng, tình trạng "phí chồng phí, thuế chồng thuế" trên một chiếc xe tại Việt Nam đã được nhắc đến khá nhiều và là một trong các nguyên nhân dẫn tới giá xe cao so với các nước.

Một chiếc xe ô tô phải nộp ít nhất 3-4 loại thuế, phí cơ bản, bao gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và phí trước bạ. 

Sau đó, để được lăn bánh, chủ xe còn phải nộp tiếp  nhiều loại phí, lệ phí khác nhau như: phí đăng kiểm, phí cấp biển, phí sử dụng đường bộ... 

Đã có không ít ý kiến cho rằng, giá xe Việt Nam cao, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khó phát triển chính vì gánh nặng thuế phí trên. Và đây cũng là một lý do khiến mỗi lần tăng giảm phí trước bạ, hoặc thuế, thị trường lại trở nên "méo mó", phát sinh các cơn sốt chạy đua mua xe, khiến đại lý tha hồ làm mưa làm gió ép khách.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm