Chưa đồng thuận về mức phạt đèn vàng

Trước mắt, cần áp dụng mức phạt vượt đèn vàng tương đương với mức phạt khi vượt đèn đỏ. Sau một thời gian, nếu thấy quy định chưa hợp lý, Bộ Công an sẽ đề xuất điều chỉnh

Sau hơn 1 tuần Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt NĐ 46) có hiệu lực (ngày 1/8), chuyện xử phạt đèn vàng vẫn gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh những ý kiến đồng tình vì cho rằng sẽ bảo đảm tình hình trật tự giao thông, tránh tình trạng có đèn vàng báo hiệu vẫn cố tình vượt thì nhiều người cũng còn băn khoăn.

Không nên phạt tương đương đèn đỏ

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đồng tình với việc phải có đèn vàng nhưng cho rằng không thể xử phạt hành vi vượt đèn vàng ngang bằng lỗi vượt đèn đỏ, bởi hành vi này không phải là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc.

“Đèn vàng là nhắc nhở, đèn đỏ là chỉ giới vi phạm. Vượt qua đèn vàng thì chỉ nhắc nhở thôi, còn vượt đèn đỏ - tức là vượt giới hạn an toàn, tiềm ẩn gây ra tai nạn. Mà khi đã nhắc nhở thì không nên phạt” - ông Liên nêu quan điểm.

Luật sư Trần Văn Toàn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Xét về tính chất, mức độ vi phạm, hành vi vượt đèn vàng không nghiêm trọng như hành vi cố tình vượt đèn đỏ, nên NĐ 46 quy định mức xử phạt tương đương nhau là không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ.

“Cần xem lại mức phạt đối với hành vi vượt đèn vàng thấp hơn lỗi vượt đèn đỏ vì nhiều người tham gia giao thông vượt đèn vàng hầu hết do vô ý, còn vượt đèn đỏ là cố ý. Việc quy định lỗi vi phạm vượt đèn vàng như đèn đỏ, vô hình trung là bỏ ý nghĩa của đèn tín hiệu vàng mang tính cảnh báo là chính” - luật sư Toàn nói.

Giải thích thêm về việc NĐ 46 đưa ra mức phạt vượt đèn vàng giống vượt đèn đỏ, ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông - Bộ Giao thông Vận tải, cho biết thực tế áp dụng mức phạt vượt đèn đỏ nặng, vượt đèn vàng nhẹ cho thấy nhiều bất cập, tạo tâm lý cho người điều khiển phương tiện thấy đèn vàng thì tăng tốc vượt qua giao lộ để không bị dừng lại chờ đèn đỏ. Đây là thói quen không tốt, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Nhiều người đi đường vượt đèn vàng bị CSGT thổi phạt tại ngã tư Trần Phú - Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, TP Hà Nội) Ảnh: Nguyễn Hưởng
Nhiều người đi đường vượt đèn vàng bị CSGT thổi phạt tại ngã tư Trần Phú - Điện Biên Phủ (quận Ba Đình, TP Hà Nội) Ảnh: Nguyễn Hưởng

Nhiều người chưa hiểu đúng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 9/8, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp - Bộ Công an, cho biết quy định xử phạt đèn vàng đã có từ trước, sự thay đổi gây tranh cãi là việc nâng mức xử phạt lên ngang với xử phạt vượt đèn đỏ.

“Người dân đang hiểu chưa chính xác về quy định khi cho rằng cứ đèn vàng là phải dừng nên mới gây tranh cãi. Về nguyên tắc, người điều khiển phương tiện giao thông khi thấy đèn vàng thì phải giảm tốc độ. Trường hợp đèn vàng nhưng người tham gia giao thông đã đi vào khu vực giao lộ thì được đi tiếp” - ông Quân giải thích.

Trước một số ý kiến nên bỏ đèn vàng, ông Quân cho rằng việc áp dụng đèn vàng là theo thông lệ quốc tế nhưng việc xử phạt thì tùy từng nước áp dụng.

“Đây cũng là kết quả của các nghiên cứu khoa học về giao thông đã được công nhận. Việc có đèn vàng để cảnh báo sẽ hạn chế được nhiều TNGT vì cho người ta sự chuẩn bị. Trước đây, chiều ngược lại từ đèn đỏ sang đèn xanh còn có cả đèn vàng, sau đó thấy không cần thiết nên mới bỏ” - Thiếu tướng Trần Thế Quân nói thêm.

Bình luận về mức phạt tương đương với mức phạt khi vượt đèn đỏ tại NĐ 46, ông Quân nhận định mức phạt hơi cao nhưng trước mắt cần áp dụng. Sau một thời gian, nếu thấy quy định chưa hợp lý, Bộ Công an sẽ đề xuất điều chỉnh cho phù hợp.

Khó phạt

Theo lãnh đạo nhiều đội CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP HCM, kể từ khi NĐ 46 có hiệu lực đến nay, việc các phương tiện tham gia giao thông vi phạm vượt đèn không nhiều.

“Hiện các đội chỉ xử lý vi phạm các lỗi thông thường. Về lỗi vượt đèn vàng, phải mất ít nhất 1 tháng mới có thể đánh giá được việc xử lý có nhiều hay không. Tuy vậy, để đi đến xử phạt lỗi vượt đèn vàng hiện rất khó thực hiện bởi muốn xử lý phải có hình ảnh để chứng minh. Ngoài ra, hiện hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn TP chưa thật sự hoàn chỉnh, nhiều cột đèn tín hiệu giao thông không hiển thị thời gian, làm sao xử phạt được người vi phạm?” - cán bộ lãnh đạo một đội CSGT cho biết.

T.Đồng

Nên có đồng hồ đếm ngược

Tại nhiều địa phương, hiện vẫn còn rất nhiều cột đèn tín hiệu giao thông không có đồng hồ đếm ngược dẫn đến người tham gia giao thông chưa biết khi nào đèn chuyển tín hiệu từ xanh sang vàng. Điều này khiến nhiều người bị động, dễ bị dính vào lỗi vượt đèn vàng. Bởi lẽ, nếu người lái xe ở tốc độ 40 km/giờ, khi đến cách trụ đèn chỉ khoảng 5 m mà thấy đèn vàng bật sáng thì không thể dừng xe trước vạch dừng được. Đi tiếp thì bị lỗi vượt đèn vàng, còn dừng gấp thì khả năng bị tông từ phía sau hoặc bị phạt lỗi dừng quá vạch.

Tăng phạt đèn vàng như đèn đỏ có thể hạn chế TNGT nhưng cần phải gắn đồng hồ đếm ngược tại tất cả các cột đèn tín hiệu giao thông để giúp người dân chủ động xử lý cũng như người thi hành pháp luật có cơ sở xử phạt người cố tình vi phạm một cách chính xác.

Văn Thi Hoàng

Theo Nguyễn Quyết - Văn Duẩn

Người lao động

Chưa đồng thuận về mức phạt đèn vàng - 2
Chưa đồng thuận về mức phạt đèn vàng - 3