"Bò ra đường" - Kiểu đi xe gây ức chế ở Việt Nam nhưng khó xử phạt

PV

(Dân trí) - Trong khi biển báo tốc độ tối đa về cơ bản được các tài xế tuân thủ thì rất nhiều lái xe ở Việt Nam phớt lờ biển báo tốc độ tối thiểu cho phép, dù về luật là đều bị xử phạt nếu vi phạm.

Đường xá ở Việt Nam ngày càng tốt lên. Chúng ta liên tục đón nhận tin tuyến đường này khởi công, tuyến cao tốc kia đi vào khai thác. Nhưng dường như ý thức của người tham gia giao thông chưa phát triển kịp tốc độ của hạ tầng. Đường thêm "xịn", song vẫn còn rất nhiều người đi kiểu "rùa bò". Nó không chỉ gây ức chế cho các tài xế khác mà còn vi phạm luật.

Trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vô cùng hiện đại, tôi đã gặp cảnh một chiếc xe bán tải đi "kềnh càng" ở làn sát dải phân cách với tốc độ chỉ khoảng 70km/h. Trong khi đó, làn đường này được quy định chạy với tốc độ tối thiểu là 80km/h và tối đa là 120km/h.

Bò ra đường - Kiểu đi xe gây ức chế ở Việt Nam nhưng khó xử phạt - 1

Biển báo quy định tốc độ trên một tuyến cao tốc (Ảnh: Như Phúc).

Chậm-nhanh là phép tương đối nhưng rõ ràng trên tuyến cao tốc này thì chiếc bán tải kia đi không khác gì "rùa bò". Việc này khiến tôi và dòng phương tiện đi phía sau phải giảm tốc độ, chuyển làn để vượt, sau khi bấm còi và bật đèn xi-nhan mà bất thành. Khi ngó vào thì thấy tài xế chiếc bán tải vừa đi vừa nói chuyện với người bên cạnh.

Có lẽ nhiều người sẽ đồng tình với tôi rằng việc gặp một chiếc xe chạy quá tốc độ cho phép không ức chế bằng việc gặp một chiếc xe chạy chậm như tình huống ở trên. Thậm chí, không quá khi nói rằng kiểu đi "rùa bò" ở làn cho phép đi nhanh sẽ là tình huống khó chịu nhất gặp phải khi lưu thông trên cao tốc. 

Dĩ nhiên, việc đi chậm dưới cả tốc độ tối thiểu như vậy cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây nguy hiểm. Khi mà dòng xe đang bon bon chạy với vận tốc 100-120km/h thì gặp phải một chiếc ô tô đi "lững thững" với tốc độ 60-70km/h thì chẳng khác gì so với việc bất ngờ gặp chướng ngại vật.

Còn xét về luật, nhiều tuyến đường đã có quy định về tốc độ tối thiểu cho phép. Việc vi phạm cũng bị phạt, mà theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì lỗi này với người điều khiển ô tô là từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Tôi vẫn nghe các tài xế hỏi nhau về mức phạt khi chạy quá tốc độ cho phép 10-20km/h, các thủ tục nộp phạt ra sao… nhưng chưa từng nghe hỏi về việc chạy dưới tốc độ cho phép. Hoàn toàn là chủ quan từ phía cá nhân tôi thì có lẽ cũng rất hiếm trường hợp bị phạt vì chạy quá chậm.

Chạy quá tốc độ có thể bị phạt tới 12 triệu đồng đối với ô tô và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe tới 4 tháng. Nhưng chạy quá chậm thì bị phạt cao nhất cũng chỉ là 1 triệu đồng. Trong khi đó tôi cho rằng, một số trường hợp chạy quá chậm cũng gây nguy hiểm chẳng kém gì chạy quá nhanh.

Đương nhiên, nếu bị lực lượng chức năng "tuýt còi", tôi tin rằng tài xế ở mình sẽ nghĩ ra 1.001 cách giải thích. Nào là xe gặp vấn đề, đi chậm vì người nhà say xe… chứ chẳng lẽ lại thừa nhận đi chậm vì mải vừa đi vừa nói chuyện điện thoại, đi chậm vì… thích thế…

Bò ra đường - Kiểu đi xe gây ức chế ở Việt Nam nhưng khó xử phạt - 2

Tình trạng ùn tắc trên cao tốc không quá hiếm gặp tại Việt Nam, trong đó nguyên nhân có cả từ ý thức người tham gia giao thông (Ảnh: D.T).

Nói chung, tôi cho rằng việc xử lý các tài xế đi kiểu "bò ra đường" cần đến từ ý thức của mỗi người, nó cần đặt cao hơn cả việc tuân thủ pháp luật trong trường hợp này. Chúng ta trả tiền để đi cao tốc, hầu hết là vậy, do đó hãy tận dụng tối đa số tiền mà chúng ta bỏ ra và hãy đi nhanh nhất có thể trong khuôn khổ pháp luật và điều kiện cho phép. 

Nếu đi chậm hơn, vui lòng chuyển vào làn cho các phương tiện đi chậm hơn, chủ động nhường đường cho các xe có nhu cầu đi nhanh. Nếu gặp việc đột xuất, hãy dừng xe an toàn để xử lý xong, rồi mới tiếp tục di chuyển. Điều này không chỉ đem lại sự an toàn cho bạn, cho người khác mà còn góp phần phát triển đất nước - vì thời gian là vàng bạc.

Độc giả Minh Quang

Bài viết này thể hiện quan điểm của độc giả, không nhất thiết trùng với ý kiến của báo Dân trí.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.

Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.

 Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, đơn vị tài trợ Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam.

Để biết thêm thông tin chi tiết về Chương trình cũng như thể lệ tham gia Cuộc thi, vui lòng truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn