Bình cứu hỏa: Chưa có quy chuẩn, quản lý bằng gì?

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (gồm các chỉ tiêu kỹ thuật bắt buộc) về bình chữa cháy, các sản phẩm này trên thị trường cũng chưa có tem nhãn của cơ quan quản lý.

 


Kiểm tra một ôtô về việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy trên xe

Kiểm tra một ôtô về việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy trên xe

Ông Hải cho biết thêm, việc quản lý các vấn đề liên quan đến phòng cháy chữa cháy do Bộ Công an thực hiện. Khi biết thông tin quy định ô tô 4 chỗ trở lên phải có bình cứu hỏa  sắp có hiệu lực, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã phối hợp với Bộ Công an rà soát và kiến nghị đề xuất xây dựng quy chuẩn quốc gia về bình cứu hỏa. Sau khi Bộ Công có đề xuất xây dựng quy chuẩn quốc gia về bình cứu hỏa, Bộ Khoa học và Công nghệ, cụ thể là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ phối hợp thực hiện.

Việc quản lý chất lượng bình cứu hỏa được thực hiện theo Thông tư  66 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 79 ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy.

Lãnh đạo một Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy miền Trung cho biết, hầu hết bình cứu hỏa ở Việt Nam nhập từ nước ngoài. Khi về Việt Nam phải tiến hành kiểm định chủng loại, mẫu mã phương tiện phòng cháy và chữa cháy, kiểm định các thông số kỹ thuật liên quan đến chất lượng phương tiện. Cụ thể, cơ quan chức năng như Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), Giám đốc Sở phòng cháy, chữa cháy tỉnh hoặc một số đơn vị được Bộ Công an cho phép sẽ kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, thời gian sản xuất, số sêri và các thông số kỹ thuật của phương tiện, kiểm tra chủng loại, mẫu mã của phương tiện đồng thời thực nghiệm với khoảng 5% số lượng thiết bị. Nếu đạt kết quả sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm định và dán tem kiểm định.

Không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì kiểm định dựa trên cơ sở nào? Theo ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, khi chưa có quy chuẩn quốc gia thì việc kiểm định theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất đang áp dụng. Ví dụ bình cứu hỏa nhập từ nước A thì phải sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật mà nước A ban hành hoặc theo tiêu chuẩn cơ sở do chính nhà sản xuất ban hành. Việc kiểm định sẽ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đó. Tuy nhiên không được các chỉ tiêu trong tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà sản xuất không được thấp hơn tiêu chuẩn của Việt Nam (tiêu chuẩn gồm các chỉ tiêu kỹ thuật khuyến khích sử dụng, không bắt buộc áp dụng như quy chuẩn). Theo ông Phó Đức Sơn, Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, đã có tiêu chuẩn quốc gia về thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Đại tá Đào Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC cho biết, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại bình chữa cháy nhập khẩu về Việt Nam. Các trang thiết bị bảo hộ, phòng cháy chữa cháy khi được đưa vào sử dụng, bán trên thị trường đều phải được kiểm định thông qua cơ quan cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Trung ương, địa phương, các sản phẩm đạt chất lượng đều phải có tem kiểm định. Người dân khi mua sắm, lựa chọn sản phẩm bình đặt trong xe ô tô nên tới các cửa hàng uy tín, kiểm tra kỹ các sản phẩm và mua các bình đã được kiểm định và dán tem.

Theo Nguyễn Hoài

Tiền Phong

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm