Bị gán "khống" tài khoản thu phí tự động, tài xế "than trời" vì khó hủy
(Dân trí) - Nhiều tài xế phản ánh bị kích hoạt tài khoản thu phí tự động ePass dù không hề đăng ký, tuy nhiên khi muốn hủy dịch vụ thì thủ tục rất phức tạp.
Xe bị đăng ký "khống" tài khoản ePass
Cuối tháng 7, anh Nguyễn Minh Đức (Ba Đình, Hà Nội) lần đầu tiên đưa ô tô đi dán thẻ thu phí không dừng (ETC) của Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) nhưng bị từ chối.
Sau khi kiểm tra, nhân viên thông báo phương tiện của anh Đức đã đăng ký thẻ ePass của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC). Nam tài xế rất bất ngờ trước thông tin này và được hướng dẫn cần hủy tài khoản cũ, sau đó mới có thể đăng ký tài khoản mới.
"Ô tô chỉ một mình tôi đi và chưa từng đăng ký dịch vụ, khi kiểm tra thì mới biết đã có tài khoản ePass từ khi nào? Đăng ký "ảo" dễ vậy nhưng quy trình hủy dịch vụ rất phức tạp và mất thời gian, trong khi tôi cần dán ETC ngay để đi lại", anh bức xúc nói.
Giống anh Đức, anh Quân Trường (Q7, TPHCM) bất ngờ khi phương tiện đã được đăng ký dịch vụ ePass mà bản thân anh không hề biết, trên xe cũng không có thẻ. Nếu muốn hủy dịch vụ, anh phải trực tiếp đến văn phòng cách nhà hơn 100km.
Trên các hội nhóm, diễn đàn mạng xã hội bàn luận về giao thông, nhiều tài xế liên tục phản ánh việc phương tiện bị kích hoạt ePass "khống" mà không hề hay biết. Trong khi đó, muốn hủy dịch vụ nhưng thủ tục "nhiêu khê".
"Xe tôi chính chủ, chưa từng đăng ký tài khoản thu phí không dừng, thế mà không hiểu bằng cách nào đã được kích hoạt ePass. Nếu muốn dùng ePass, xe không có thẻ, tôi lại không biết tài khoản. Còn dùng VETC thì phải hủy ePass, mà tổng đài lại không hỗ trợ", anh Phạm Sáng (Ninh Bình) cho hay.
ePass nói gì về tình trạng thẻ "khống"?
Ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc VDTC xác nhận đã xảy ra tình trạng xe chính chủ không đăng ký dịch vụ nhưng đã có thông tin đăng ký.
Theo ông Trình, những trường hợp này xuất phát từ nhiều lý do, như: chủ phương tiện cho mượn/thuê xe, người lái xe đăng ký dịch vụ bằng thông tin, số điện thoại của người lái mà chủ phương tiện không nắm được thông tin; phương tiện đã đăng ký dịch vụ bởi chủ cũ sau đó được chuyển nhượng sang chủ mới mà chưa thay đổi biển số, không còn thẻ trên xe…
Ông dự báo tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Để giải quyết, VDTC sẽ hỗ trợ chuyển chủ quyền sau khi xác nhận với chủ phương tiện cũ hoặc với người đứng tên đăng ký dịch vụ.
Về việc tài xế phản ánh muốn hủy tài khoản ePass nhưng gặp khó khăn, Tổng Giám đốc VDTC cho hay đơn vị cần thời gian kiểm tra giấy tờ đầy đủ, xác minh chủ tài khoản, giao dịch... để bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như tránh khiếu nại, khiếu kiện trong tương lai.
"Các thông tin về thủ tục đăng ký, hủy dịch vụ đều được công bố trên website. Vì vậy, khách hàng có thể tham khảo thông tin trước khi đến các điểm giao dịch để VDTC có thể hỗ trợ một cách nhanh chóng", ông Trình nói.
Yêu cầu xử lý bất cập cho lái xe
Trước đó, ngày 28/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định sẽ xử lý hiện tượng kích hoạt thẻ "ảo", sẵn sàng cho triển khai thu phí điện tử tự động không dừng từ 1/8.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nguyên nhân do cộng tác viên của nhà cung cấp dịch vụ thu phí chạy chỉ tiêu nên lấy thông tin để kích hoạt "khống" trên hệ thống; chủ phương tiện mua lại xe đã được chủ phương tiện trước dán nhưng bóc thẻ trước khi bán và không hủy tài khoản đã có; chủ phương tiện đăng ký tài khoản từ lâu nhưng không nhớ…
"Với bất cập này, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí có trách nhiệm hỗ trợ chủ phương tiện xử lý, khắc phục để bảo đảm quyền lợi của chủ phương tiện theo quy định của pháp luật", Tổng cục Đường bộ khẳng định.
Cơ quan Tổng cục đã họp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí để yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ chủ động rà soát, chấn chỉnh, không để xảy ra hiện tượng kích hoạt thẻ "ảo" trong thời gian tới; thống nhất một các giải pháp xử lý.
Tổng cục Đường bộ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ chủ động rà soát, liên hệ với các chủ phương tiện đã dán thẻ lâu ngày, các trường hợp hay gặp sự cố về nhận diện thẻ để kiểm tra, xử lý kịp thời, bảo đảm xe lưu thông thông suốt qua các trạm thu phí; cung cấp các số điện thoại đường dây nóng để các chủ phương tiện gặp vấn đề về lỗi thẻ hoặc các vấn đề khác liên hệ để được xử lý.
Đối với trường hợp có tài khoản ETC dù không đăng ký trước đó, Tổng cục Đường bộ đề nghị chủ phương tiện cần liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ. Nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm rà soát, kiểm tra và hướng dẫn chủ phương tiện hoàn thiện các công việc tiếp theo để sử dụng dịch vụ.
Trường hợp chủ phương tiện không đồng ý tiếp tục sử dụng dịch vụ, muốn hủy tài khoản giao thông hiện có để chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ thì phải có bản cam kết chuyển đổi do chủ phương tiện ký (có giấy đăng ký và căn cước công dân).