Bán xe máy phải làm 'báo cáo': Lợi hay phiền
“Ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản theo mẫu… đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi”.
Đây là trách nhiệm mới của các chủ xe được quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 15/2014 của Bộ Công an và sẽ được áp dụng từ ngày 1/6 tới đây.
Trên thực tế vẫn còn lượng lớn người mua, bán xe không đi sang tên xe, trong đó đa phần là do người mua thiếu tích cực. Mặc dù các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đều đưa ra mức phạt tiền trên cơ sở xác định đây là hành vi vi phạm và gần đây Bộ Công an cũng đã đơn giản hóa thủ tục để tạo nhiều thuận tiện nhưng kết quả đăng ký xe vẫn chưa cao.
Từ sự “im ắng” của người mua mà nhiều người bán xe dù đã làm xong phần nghĩa vụ của mình cứ phải phập phồng với những phiền toái phát sinh, thường thấy hơn cả là bị cơ quan công an mời lên mời xuống để thẩm tra khi xe đó vi phạm luật giao thông, gây ra tai nạn hoặc được sử dụng để thực hiện các hành vi phạm tội…
Rất dễ nhìn thấy yêu cầu “phải thông báo” phục vụ đáng kể cho công tác quản lý xe của các cơ quan công an. Thế là đã có không ít nghi ngờ “công an “đẻ” thêm thủ tục để gây khó cho dân” nhưng nếu xem kỹ thì băn khoăn này không chính xác. Do biểu mẫu thông báo cũng dễ kê khai nên chỉ cần các cơ quan đăng ký xe mở rộng cửa tiếp nhận (không chỉ trực tiếp mà còn có thể qua bưu điện…) thì người bán xe sẽ dễ dàng đáp ứng.
Tuy nhiên, vẫn có điều cần bàn trong lời “đe” của Thông tư 15/2014. Đó là “trường hợp chủ xe không thông báo thì tiếp tục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chiếc xe đó đến khi tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe”.
Khi còn đứng tên trên giấy đăng ký, tức vẫn là chủ sở hữu hợp pháp của chiếc xe thì chỉ với một văn bản thông báo có thực sự giúp các chủ xe thoát khỏi những trách nhiệm pháp lý đối với phương tiện giao thông vốn dĩ được pháp luật xác định là nguồn nguy hiểm cao độ hay không?
Về trách nhiệm dân sự thì câu trả lời trong trường hợp này là “không”. Bởi lẽ tuy còn nhiều nội dung chưa được hướng dẫn rõ ràng nhưng Điều 623 Bộ luật Dân sự đã đề ra nguyên tắc chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (hoặc phải liên đới bồi thường thiệt hại nếu cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật).
Riêng về trách nhiệm hành chính thì do một số quy định của Bộ Công an chưa được dựa trên những chuẩn pháp lý thống nhất nên có khác hơn. Chẳng hạn, với Thông tư 11/2013 của bộ này thì trong các trường hợp “phạt nguội” thông qua hình ảnh mà chưa xác định được người điều khiển phương tiện vi phạm thì cơ quan công an không chăm chăm “níu áo” người đứng tên trong giấy đăng ký xe. Nếu xe đó đã được bán, tặng cho thì không cần xét đến yếu tố đã làm thủ tục chuyển nhượng hợp pháp hay chưa, công an vẫn có thể buộc người đã mua hoặc được tặng cho xe nộp phạt thay (!).
Còn rất nhiều quy định cần được Bộ Công an chỉnh sửa cho đồng bộ, trong đó có việc chấn chỉnh cách xác định về “chủ xe” đang có phần lộn xộn (lúc là người bán, lúc là người mua). Trong khi đó, theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự thì chủ xe phải là người đứng tên trong giấy đăng ký xe và có đầy đủ ba quyền năng là chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, tức không thể là người mua chưa hợp pháp.
Thế nhưng vẫn phải thấy rằng trong giai đoạn hiện nay thì giải pháp “phải thông báo” nêu tại Thông tư 15/2014 giúp minh bạch thông tin, giảm thiểu cho chính người bán xe các rắc rối không đáng có.
Theo Nguyễn Thi
Pháp luật TPHCM