Áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4: Dễ doanh nghiệp, khó người dùng?
Kinh doanh ô tô tại Việt Nam không gặp khó khăn trước thời điểm chuẩn bị áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (Euro 4).
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ô tô tại Việt Nam không gặp khó khăn trước thời điểm chuẩn bị áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (Euro 4) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, nhưng người tiêu dùng lại tỏ ra lo lắng. Vì có thể chi phí sử dụng ô tô sẽ tăng lên.
Doanh nghiệp hào hứng
Thông tư số 33/2015/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 4 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng phê duyệt hôm 24/7/2015 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2016.
Việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 theo quy định kỹ thuật trong QCVN 86:2015/BGTVT đính kèm Thông tư số 33/2015/TT-BGTVT sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2017. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô trong nước sẽ chỉ được phân phối các dòng xe đáp ứng được quy định về tiêu chuẩn khí thải mức 4.
Từ nay cho đến 1/1/2017 chỉ còn 16 tháng, một khoảng thời gian không quá dài và cũng khó đủ để doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô thay đổi quy trình sản xuất nhằm đáp ứng những quy định kỹ thuật hoặc chính sách mới. Tuy nhiên, không phản biện quyết liệt như những lần cơ quan chức năng thay đổi chính sách hay quy định mới về ngành công nghiệp ô tô nước nhà trước đây, các doanh nghiệp xe trong nước đều tỏ ra hào hứng với quy định mới về tiêu chuẩn khí thải.
Tiếp nhận thông tin về thời điểm áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4, ông Huỳnh Tiến Đạt, phụ trách Truyền thông Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) cho hay, liên doanh xe Đức không gặp khó khăn với thay đổi này. Bởi hiện tại toàn bộ các dòng xe du lịch mà MBV đang lắp ráp và nhập khẩu đều đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 hoặc cao hơn và bắt đầu từ 2016 sẽ chuyển dần sang hoàn toàn Euro 5.
Mặc dù quy định về tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô được nâng mức cao hơn, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đang lắp ráp và phân phối ô tô tại Việt Nam cho rằng, việc thay đổi hợp với xu thế toàn cầu và họ đã sẵn sàng cho thời điểm 1/1/2017 từ nhiều năm trước.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Ngọc Bá - phụ trách đào tạo sản phẩm của Ford Việt Nam cũng khẳng định việc nâng tiêu chuẩn khí thải lên mức cao hơn không gây khó khăn cho các doanh nghiệp lắp ráp ô tô.
Theo ông Bá, nếu hãng nào vẫn sử dụng công nghệ cũ chưa đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải mức 4 trên các dòng sản phẩm thì việc thay đổi cũng chỉ cần một thời gian ngắn. Do chưa có đơn vị nào ở Việt Nam sản xuất được động cơ ô tô, nên sau thời điểm 1/1/2017, các hãng chỉ cần đặt động cơ phù hợp với tiêu chuẩn khí thải mới, điều chỉnh một số chủng loại phụ tùng kèm theo và phần mềm điều khiển. Tất cả những thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến chi phí sản xuất.
Cùng chung góc nhìn, ông Lê Ngọc Đức - Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công và ông Trần Tấn Trung - Tổng Giám đốc đơn vị phân phối xe Audi tại Việt Nam cho rằng, môi trường sạch hiện đang là vấn đề mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới hướng tới. Quy định khắt khen hơn về tiêu chuẩn khí thải đòi hỏi các hãng xe và các đơn vị sản xuất lắp ráp phải đầu tư nhiều hơn về công nghệ để có thể làm ra những sản phẩm không gây hại cho môi trường. Đây cùng là một biện pháp tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và công bằng cho những hãng xe có ý thức giữ gìn môi trường sống.
Người tiêu dùng lo lắng
Ủng hộ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và đánh giá đây là mục tiêu lý tưởng nhưng ông Phạm Văn Tài - Phó Tổng Giám đốc Thaco Trường Hải lại có những băn khoăn riêng. Theo ông Tài, hiện Việt Nam chưa sản xuất được nhiều nhiên liệu cho xe đáp ứng được tiêu chuẩn từ mức 4 trở lên, nên việc nhập khẩu nhiên liệu có tiêu chuẩn cao hơn có thể sẽ khiến chi phí xã hội tăng lên.
Ngoài ra, theo ông Tài lượng xe máy hiện nay và trong nhiều năm tới vẫn sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với ô tô, nên việc chỉ nâng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô lên mức 4 trong khi với xe máy vẫn giữ ở mức thấp hơn thì việc thay đổi trên có thể sẽ không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Bà Đ.N.Minh - phụ trách kinh doanh một đại lý xe cao cấp tại TP HCM cho hay, nhiều khách hàng của bà thường phàn nàn tần suất xử lý các vấn đề liên quan đến đường dẫn nhiên liệu và làm sạch động cơ đối với chiếc xe cao cấp mới mua cao hơn rất nhiều so với những chiếc xe đời cũ trước đây, vốn được trang bị động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải mức 2 (Euro 2).
Bà Minh nhận định, khi các dòng xe ô tô du lịch phân phối ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 thì số lượng xe “mắc bệnh” về động cơ sẽ tăng lên đáng kể, bởi tiêu chuẩn khí thải mới đòi hỏi nhiên liệu chất lượng cao. Khi đó, người dùng sẽ phải tốn thêm chi phí mua nhiên liệu và sửa chữa, vốn không bị mất khi sử dụng động cơ có tiêu chuẩn khí thải mức 2.
Trong một thống kê không chính thức tại một xưởng sửa chữa ô tô lớn tại Hà Nội, ghi nhận, những dòng xe cao cấp sử dụng động cơ có tiêu chuẩn khí thải cao, đặc biệt là những xe có dung tích xi-lanh lớn, cứ đi khoảng 2 vạn km là phải xử lý đánh cặn và muội trong động cơ và bộ phận phun nhiên liệu, mà nguyên nhân là do nhiên liệu không đáp ứng được chất lượng vận hành động cơ.
Ông L.A.Tuấn - chủ xưởng dịch vụ này cho biết, chi phí để làm sạch động cơ và bộ phận phun nhiên liệu mỗi lần vào khoảng 3 triệu đồng. Thông thường, nếu nhiên liệu đảm bảo chất lượng thì có thể phải đi trên 10 vạn km thì mới phải xử lý tương tự.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng ví von, ô tô động cơ dầu (diesel) ở các nước phát triển thường được ưa chuộng hơn so với xe chạy nhiên liệu xăng, nhưng ở thị trường Việt Nam thì loại xe này hoàn toàn lép vế, đặc biệt là những dòng xe cao cấp áp dụng công nghệ tiên tiến. Chính bởi vậy, không ít khách hàng từng sửa chữa xe tại xưởng dịch vụ này đã phải bán xe vì không thể “chịu đựng” được tần suất dày đặc những lần phải đi xử lý lỗi động cơ do bị cáu cặn hoặc giảm công suất, mà một phần nguyên nhân được xác định là do nhiên liệu.
Theo Phúc Lâm
Giao thông vận tải