Ai có “lỗi” trong vụ GM phá sản?

(Dân trí) - Câu trả lời là gần như tất cả - từ ban giám đốc đến Nghiệp đoàn ngành ô tô Mỹ (UAW), chính phủ, người tiêu dùng, sự cạnh tranh và cả giới truyền thông.

 
Đó là ý kiến của chuyên gia phân tích William J. Holstein, tác giả cuốn “Tại sao GM gặp rắc rối: Bên trong cuộc đua thay đổi một biểu tượng Mỹ” (Why GM matters: Inside the Race to Transform an American Icon - Walker & Co., 2009).

 

Chính sách quản lý

 

Trong phần lớn thời gian tồn tại của mình, GM không thực sự là một thực thể thống nhất. Nhà sáng lập tập đoàn, Billy Durant, đã ghép nhiều công ty khác nhau vào một - Chevrolet, Pontiac, Buick, Cadillac - và để cho chúng tự do cạnh tranh lẫn nhau. Tập đoàn chỉ giám sát, quản lý các công ty ở mức tối thiểu.

 

Alfred P. Sloan, người tiếp quản GM vào thập niên 20, bắt đầu “thiết quân luật” bằng việc kiểm soát tài chính của các công ty con chặt chẽ hơn và định vị từng thương hiệu hợp lý hơn, với Chevrolet chuyên sản xuất xe phổ thông, còn Cadillac tập trung vào thị trường xe hạng sang. Dù vậy, nhìn chung GM vẫn là bộ máy có tính phân quyền cao.

 

Sau Thế chiến thứ hai, GM thống lĩnh thị trường ô tô Mỹ, chiếm 50,7% thị phần vào năm 1962.

 

Người lao động

 

Ai có “lỗi” trong vụ GM phá sản? - 1
 
Trong nhiều thập kỷ, ban lãnh đạo GM đã phải đồng ý với các đòi hỏi của UAW về việc tăng lương, đảm bảo lợi ích y tế, và lương hưu. Những thỏa hiệp này của GM với UAW đã giúp nâng cao mức sống cho nhiều công nhân Mỹ, nhưng chính chi phí y tế quá cao cho người lao động sau này đã trở thành gánh nặng tài chính đối với GM, và là mâu thuẫn lớn nhất giữa ban lãnh đạo với người lao động.

 

Sự cạnh tranh

 

Đơn giản là GM chưa sẵn sàng đối phó với sự cạnh tranh của Toyota và các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác khi họ bắt đầu có những bước tiến quan trọng chinh phục thị trường Mỹ đầu thập niên 80. Toyota đã phát triển được một bộ máy sản xuất gọn nhẹ, khác hẳn với những dây chuyền sản xuất lớn mà GM đang sử dụng, nhiều thập kỷ sau khi Henry Ford đã hoàn thiện chúng. Kết cấu “vụn” của GM đồng nghĩa với việc mỗi bộ phận có những quy trình sản xuất riêng, sử dụng phụ tùng riêng, kỹ thuật cơ khí riêng, và nhà máy riêng.

 

“Đói” việc làm, các tiểu bang của nước Mỹ bắt đầu khuyến khích các nhà sản xuất Nhật Bản xây dựng nhà máy tại bang mình. Các “đại gia” ô tô Mỹ ở Detroit đã cho rằng việc này sẽ khiến các nhà sản xuất Nhật Bản phải chịu gánh nặng chi phí và các vấn đề với người lao động giống như họ. Tuy nhiên, họ đã sai. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản chủ yếu đặt nhà máy ở các bang miền nam và giáp biên giới, nơi hoạt động công đoàn không phát triển. Họ tuyển dụng những công nhân trẻ, giá rẻ, và họ thiết lập một mối quan hệ hoàn toàn mới giữa ban giám đốc với người lao động. Việc này dẫn tới bộ mặt hoàn toàn mới của ngành công nghiệp ô tô. Hệ quả là Detroit phải chịu sức ép cạnh tranh ngày một lớn.

 

Chính phủ
 

Ai có “lỗi” trong vụ GM phá sản? - 2
(Ảnh: Reuters)

GM đã phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản mà không có sự giúp đỡ của chính phủ liên bang. Chính quyền tổng thống Bill Clinton, cũng như nhiều chính quyền trước đó, không tìm cách buộc Nhật Bản phải mở cửa thị trường ô tô trong nước. Thêm vào đó, chính quyền tổng thống Bill Clinton cũng không thể giải quyết được tình trạng thiếu vắng hệ thống y tế quốc gia, để gáng nặng chi phí này đè lên doanh nghiệp.

 

Những thay đổi muộn màng
 
CEO Rick Wagoner của GM đã khuyến khích việc học tập các phương pháp sản xuất và quản lý của Toyota. Quyết định của ông Wagoner về việc thuê Bob Lutz vào năm 2001 dẫn tới sự thay đổi lớn về phong cách và thiết kế xe GM, theo chiều hướng tích cực. Ông Wagoner cùng với “phó tướng” Lutz đã nỗ lực đưa GM vượt Toyota trên thị trường hybrid bằng một mẫu xe hoàn toàn mới, sử dụng công nghệ pin lithium-ion - Chevrolet Volt. Ông đã cố gắng hợp nhất hoạt động toàn cầu của GM. Ông tập trung hóa sự quản lý và thuyết phục UAW chịu trách nhiệm về chi phí y tế. Vào đầu năm 2008, GM tự tin tuyên bố đang trên đường chuyển đổi thành công.

 

Tuy nhiên, ngay khi đó, GM vấp phải hai thực tế cay đắng: giá nhiên liệu tăng cao và tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu. Doanh số của các nhà sản xuất ô tô Mỹ chao đảo khi giá xăng có thời điểm lên tới 4 USD/gallon trong quý II/2008. Người tiêu dùng Mỹ bắt đầu tập trung sự quan tâm đến ô tô tiết kiệm nhiên liệu của các nhà sản xuất nước ngoài. Nhưng ít nhất khi đó, người ta vẫn còn mua ô tô. Còn khi nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, doanh số xuống dốc không phanh.

 

Sự quay lưng

 

Ai có “lỗi” trong vụ GM phá sản? - 3
(Ảnh: Reuters)
 
Tháng 11/2008, CEO khi đó của GM, Ford, và Chrysler đã tới Washington, D.C., để thuyết phục chính phủ hỗ trợ tài chính nhằm tránh nguy cơ phá sản, nhưng nhanh chóng nhận ra rằng chính phủ sẽ không đổ tiền ra cứu họ. Các nghị sĩ đảng Cộng Hòa ở miền nam, mà nhiều người tới từ các tiểu bang có nhà máy sản xuất ô tô nước ngoài không tham gia Nghiệp đoàn, đã công khai chỉ trích các CEO. Các nhà hoạt động môi trường của tiểu bang California cũng “tấn công” họ. Sự đồng thuận quốc gia về tầm quan trọng của ngành công nghiệp ô tô do các doanh nghiệp trong nước kiểm soát đã lung lay, và giới truyền thông Mỹ cũng quay lưng với các nhà sản xuất ô tô trong nước.

 

Chính quyền tổng thống George W. Bush đã duyệt chi cho GM và Chrysler vay hàng tỷ USD để cầm cự cho tới khi tổng thống Obama lên nắm quyền. Nhưng sau đó, mọi sự không như trông đợi. Giới quan sát ngành ô tô lâu nay vẫn cho rằng ông Obama, đại diện đảng Dân chủ đến từ Chicago, đã hiểu rõ tầm quan trọng của ngành chế tạo ô tô Mỹ và sẽ có chính sách cứu giúp.

 

Nhưng tân tổng thống lại tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề này từ các thành viên trong liên minh chính trị của ông. Từ New York có nhà đầu tư Steve Rattner, người gây quỹ chính trong chiến dịch tranh cử của ông, trở thành người đứng đầu lực lượng đặc trách ngành ô tô của chính phủ. Ông Rattner đảm nhiệm vị trí này với quan điểm cho rằng, phá sản theo Chương 11 Đạo luật phá sản Mỹ là giải pháp đúng đắn cho GM.

 

Và kết quả không tránh khỏi là GM buộc phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản để tái cơ cấu toàn diện. Giờ đây, GM (General Motors) bị giễu cợt là viết tắt của “Government Motors”, ám chỉ việc chính phủ sở hữu đa số cổ phần doanh nghiệp này.

 

Nhật Minh

Theo Business Week

Dòng sự kiện: General Motors phá sản