5 lựa chọn xe gầm cao đô thị tầm 700 triệu đồng cho khách Việt
(Dân trí) - Hyundai Kona, Kia Seltos, Ford EcoSport, MG ZS hay Mazda CX-3 là những lựa chọn crossover cỡ nhỏ với thiết kế linh hoạt, phù hợp cho nhu cầu đi lại tại các thành phố lớn.
Crossover cỡ B là phân khúc ngày càng "nóng" tại Việt Nam khi liên tục đón các mẫu xe mới. Phần lớn hãng xe phổ thông đều tung ra sản phẩm cho nhóm khách hàng này, mang đến nhiều lựa chọn. Dưới đây là các gợi ý.
Mazda CX-3 (629 - 709 triệu đồng)
CX-3 là sản phẩm mới nhất tham gia vào sân chơi này, đồng thời lấp đầy dải sản phẩm SUV của Mazda tại Việt Nam. Có thể hình dung đây là phiên bản thu nhỏ của mẫu Mazda CX-5 đã gặt hái được nhiều thành công.
Phát triển dựa trên khung gầm của Mazda2, trục cơ sở của CX-3 đúng bằng mẫu xe này, dài 2.570 mm. Các kích thước dài, rộng, cao khác của sản phẩm mới là 4.275 x 1.750 x 1.535 mm và hiện là một trong những xe crossover cỡ B nhỏ nhất trong phân khúc.
Không gian nội thất của CX-3 giống hệt với Mazda2 nhưng hiện đại hơn khi chuyển sang phanh tay điện tử có hỗ trợ giữ phanh tự động. Các trang bị khác như hiển thị thông tin trên kính lái (HUD), ga tự động, ghế chỉnh điện với nhớ hai vị trí, gương chống chói màn hình giải trí 7 inch hỗ trợ kết nối Apple CarPlay và Android Auto.
Mazda CX-3 sử dụng động cơ xăng SkyActiv-G 1,5 lít cho công suất tối đa 110 mã lực, mô-men cực đại 144 Nm, kết hợp cùng hộp số tự động 6 cấp. Xe có gói công nghệ i-Activsense, trong đó phiên bản cao nhất hỗ trợ cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, hệ thống cảnh báo làn đường, đèn pha tự động, phanh thông minh trong thành phố, hệ thống nhắc nhở tập trung lái xe.
Với giá khởi điểm 519 triệu đồng cho phiên bản tiêu chuẩn, MG ZS 2021 là một trong những mẫu crossover cỡ B có giá tốt nhất thị trường, cạnh tranh cả với xe sedan cỡ B. Trong khi phiên bản trước đây sản xuất tại Trung Quốc, xe đời mới được nhập khẩu từ Thái Lan.
ZS 2021 có nhiều chi tiết góc cạnh hơn, đặc biệt ở mặt ca-lăng. Dáng xe vẫn giữ nét tổng thể trung tính mà đâu đó có thể bắt gặp trên một số mẫu ô tô Nhật Bản. Hệ thống đèn chiếu sáng full LED trong đó đèn pha tự động, đèn hậu LED. Xe có kích thước dài, rộng, cao lần lượt là 4.323 x 1.809 x 1.653 mm.
Khoang nội thất nâng cấp với màn hình giải trí 10,1 inch, màn hình phụ hiển thị thông tin phía sau vô-lăng đã chuyển sang loại màn hình màu. Xe có phanh tay điện tử, cửa sổ trời toàn cảnh, camera 360, hệ thống phanh an toàn (ABS, EBD, EBA), hỗ trợ khởi hành ngang dốc, đổ đèo, hệ thống kiểm soát lực kéo, cân bằng điện tử, kiểm soát phanh ở góc cua, làm khô phanh đĩa, cảm biến áp suất lốp và 6 túi khí.
MG ZS 2021 trang bị động cơ 4 xi-lanh 1,5L cho công suất cực đại 112 mã lực tại 6.000 vòng/phút và mô men cực đại 150Nm tại 4.500 vòng/phút. Thay đổi đáng kể trong vận hành đến từ hộp số tự động vô cấp CVT với 8 cấp giả lập, 3 chế độ lái. Theo công bố của nhà sản xuất, MG ZS 2021 có thể đạt vận tốc tối đa 170km/h.
Ford EcoSport (603 - 686 triệu đồng)
Trước sức ép của thị trường, Ford đã tung EcoSport mới trong đó chi tiết ngoại hình thay đổi đáng kể là loại bỏ bánh dự phòng ở phía sau. Đèn pha halogen chuyển sang bóng xenon (HID), gương chiếu hậu có chức năng gập điện và tích hợp đèn soi khu vực cửa ra vào. Lốp là loại Bridgestone dày hơn trước đây.
Nội thất trên mẫu SUV cỡ nhỏ của Ford tổng thể vẫn giữ nguyên. Xe có nút bấm khởi động, màn hình giải trí 8 inch với hệ thống Sync 3, điều hòa tự động…
EcoSport 2020 có hai tùy chọn động cơ là máy xăng 1.5L và tăng áp 1.0L EcoBoost, đều đi kèm hộp số tự động 6 cấp. Các công nghệ an toàn và hỗ trợ lái được nâng cấp với ga tự động và giới hạn tốc độ, cảm biến áp suất lốp, bên cạnh đó là 7 túi khí cùng các công nghệ hỗ trợ phanh, cân bằng điện tử, hỗ trợ đổ đèo và khởi hành ngang dốc…
Hyundai Kona (636 - 750 triệu đồng)
Sự xuất hiện của Hyundai Kona từ cuối năm 2018 đã lập tức "phả hơi nóng" lên Ford EcoSport, trước khi phải "nhường ngôi" cho Kia Seltos. Mẫu xe của Hyundai được đánh giá có cá tính với phần đầu xe chuyển đèn chiếu sáng xuống bên dưới, đẩy cụm xi-nhan và LED ban ngày lên sát nắp ca-pô.
Phần ốp nhựa đen ở bốn hốc bánh là chi tiết gây tranh cãi trên Kona khi có khách hàng thích phong cách hầm hố nhưng cũng có người chê vì rườm rà. Không gian nội thất của xe tương đồng với các sản phẩm khác của Hyundai, hàng ghế thứ hai có độ rộng vừa phải.
Hyundai Kona bản dùng động cơ 2.0 cho công suất 149 mã lực, mô-men cực đại 180 Nm, đi kèm hộp số tự động 6 cấp.. Động cơ Gamma 1.6 T-GDI tăng áp sản sinh công suất 177 mã lực, mô-men cực đại 265 Nm với hộp số ly hợp kép 7 cấp. Đây là hai cỗ máy được dùng trên "đàn anh" Hyundai Tucson.
Xe có hệ thống phanh an toàn ABS, EBD, BA, cân bằng điện tử ESC. Ngoài ra, Hyundai Kona hỗ trợ kiểm soát hành trình, khởi hành ngang dốc, hỗ trợ xuống dốc, cảnh báo điểm mù, cảm biến áp suất lốp và 6 túi khí.
Kia Seltos (609 - 729 triệu đồng)
Đây là mẫu crossover cỡ B ăn khách nhất hiện nay và liên tục duy trì sức nóng kể từ khi ra mắt hồi tháng 7 năm ngoái. Thiết kế trẻ trung theo phong cách "mũi hổ", Kia Seltos còn có kích thước nhỉnh hơn so với các đối thủ trong phân khúc với chiều dài cơ sở 2.610mm, khoảng sáng gầm 190mm.
Không gian nội thất của Kia Seltos hiện đại khi tích hợp màn hình thông tin 7 inch, màn hình giải trí Full HD 10,25 inch hỗ trợ Android Auto và Apple CarPlay. Hàng sau của Seltos khá rộng rãi, ngồi thoải mái hơn do có thể điều chỉnh góc ngả lưng 26 - 32 độ. Cửa gió điều hòa và cổng sạc USB cũng có trên hàng ghế hành khách, bệ tỳ tay với khay để cốc ở giữa.
Seltos sở hữu động cơ tăng áp 1.4L với công suất 138 mã lực, mô-men cực đại 242 Nm, đi cùng hộp số tự động 7 cấp ly hợp kép. Ngoài ra còn có tùy chọn động cơ 1.6L. Xe hỗ trợ 3 chế độ lái thể thao, thông thường và tiết kiệm.
Các trang bị an toàn trên mẫu crossover của Kia cũng đầy đủ trong phân khúc, bao gồm hệ thống 6 túi khí, chống bó cứng phanh (ABS), phân bổ lực phanh điện tử (EBD), hỗ trợ phanh khẩn cấp (BA), cân bằng điện tử (ESP), kiểm soát thân xe (VMS), hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HAC), camera lùi, cảm biến hỗ trợ đỗ xe…