3 kiểu "lên đời" ngoại thất các chủ xe ô tô ở Việt Nam nên tránh

Nhật Minh

(Dân trí) - Nâng cấp đèn hay dán phim cách nhiệt tối màu... đều là những việc nhiều chủ xe ô tô ở Việt Nam thích làm, trong khi đáng ra nên tránh.

Lắp đèn pha HID (bi-xenon) 

3 kiểu lên đời ngoại thất các chủ xe ô tô ở Việt Nam nên tránh - 1

Rất nhiều tài xế thích lắp đèn pha LED hoặc HID (đèn bi-xenon), thay cho cặp đèn halogen nguyên bản của nhà sản xuất, nhằm tăng khả năng chiếu sáng cho xe; và đôi khi khiến khiến chiếc xe trông "sang" hơn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc này là phạm luật ở Việt Nam.

Việc sử dụng các loại đèn chiếu có cường độ mạnh, như đèn bi-xenon, đèn LED, đèn dạng chiếu (project)… để tăng khả năng quan sát cho tài xế có thể giúp tăng thêm sự an toàn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp tài xế sử dụng đèn sai quy định, thiếu ý thức, gây hậu quả nghiêm trọng, vì đèn ngược chiều quá sáng có thể khiến các tài xế khác bị chói mắt, cản trở tầm nhìn.

Đó chính là lí do hành vi này bị cấm, theo luật, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu nguy cơ tai nạn.

Khoản 13 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm các hành vi lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới. 

Về xử phạt, theo Điểm a Khoản 3 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ôtô (bao gồm cả rơmoóc) lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng; các thiết bị vi phạm sẽ bị CSGT tịch thu ngay lập tức. 

Hồi năm 2018, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới kiên quyết từ chối đăng kiểm đối với các phương tiện có lắp thêm thiết bị điện, các trường hợp gắn thêm đèn chiếu sáng phía trước, phía sau không đúng theo thiết kế của nhà sản xuất.

Dán chóa đèn khói chống chói, lắp đèn nhấp nháy

3 kiểu lên đời ngoại thất các chủ xe ô tô ở Việt Nam nên tránh - 2

Rất trớ trêu là trong khi nhiều chủ xe lắp đèn bi-xenon, đèn LED để tăng khả năng chiếu sáng cho xe, thì không ít chủ xe lại tìm cách giảm độ sáng của đèn, đặc biệt là đèn hậu. Cách phổ biến nhất là sử dụng phim (film) dán chóa đèn khói chống chói, với màu khói nhạt thường được dùng để dán đèn trước, còn màu khói đậm bóng và khói đậm mờ để dán đèn hậu. 

Nếu làm ở mức vừa phải, thì việc dán chóa đèn khói có thể giúp chống chói và tăng vẻ thể thao, dữ dằn cho xe. Tuy nhiên, nếu quá đà, việc này có thể gây mất an toàn. Đèn hậu nếu không đủ sáng có thể khiến tài xế xe phía sau khó nhận biết xe bạn đang phanh hoặc xi nhan để tránh.

Trong khi đó, nhiều chủ xe, đặc biệt là xe bán tải, rất thích lắp đèn màu, đèn nhấp nháy phía sau xe, nhưng đây là một việc làm vi phạm pháp luật và gây mất an toàn giao thông, vì có thể khiến tài xế xe đi phía sau lóa mắt.

Dán phim cách nhiệt tối màu, kém chất lượng

3 kiểu lên đời ngoại thất các chủ xe ô tô ở Việt Nam nên tránh - 3

Lý do thường gặp của việc dán phim cách nhiệt tối màu cho kính xe là chống nóng, chống chói, bảo vệ sự riêng tư, khiến xe trông đẹp hơn, hoặc "ngầu" hơn...

Tuy nhiên, việc dán kính quá tối màu, sử dụng phim kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái có thể khiến tầm nhìn của tài xế bị cản trở, đặc biệt là khi lái xe lúc trời nhá nhem hoặc vào ban đêm. Việc sử dụng phim kém chất lượng thậm chí có thể khiến người ngồi trong xe bị chóng mặt, đau đầu nếu nhìn lâu.

Ở Việt Nam, luật giao thông đường bộ không cấm việc dán kính ô tô tối màu, nhưng Bộ Giao thông có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kính an toàn của ô tô tại Thông tư số 31/2017/TT-BGTVT. Theo đó, hệ số truyền sáng ổn định của kính ô tô không được nhỏ hơn 70%. Trong trường hợp tấm kính không đặt ở những nơi cần thiết với việc quan sát của lái xe (ví dụ trên nóc xe), hệ số truyền sáng ổn định của kính có thể nhỏ hơn 70%. Do đó, để tránh bị phạt hoặc từ chối đăng kiểm, chủ xe không nên dán phim cách nhiệt quá tối màu cho ô tô.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm