Quy mô tỉnh Đồng Nai sau sáp nhập, dân số top 5 cả nước

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Theo Nghị quyết số 1662 của Chính phủ, sau sắp xếp, tỉnh Đồng Nai có 95 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó gồm 72 xã và 23 phường.

Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, ký ban hành Nghị quyết số 1662 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Nai năm 2025. 

Sau sắp xếp, tỉnh Đồng Nai có 95 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 72 xã và 23 phường. Trong đó, 67 xã, 21 phường hình thành sau sắp xếp và 7 đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp là phường Phước Tân, phường Tam Phước, các xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), Đak Lua, Phú Lý, Bù Gia Mập, Đăk Ơ.

Các đơn vị hành chính cấp xã sẽ thực hiện sắp xếp cụ thể như sau:

Quy mô tỉnh Đồng Nai sau sáp nhập, dân số top 5 cả nước - 1

Quy mô dân số cả tỉnh sau sáp nhập là hơn 4,4 triệu người, đứng thứ 5 cả nước. Tổng diện tích cả tỉnh là 12.737km2.

Theo Nghị quyết số 1662, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp xã cũ (trước sắp xếp) tiếp tục hoạt động, cho đến khi chính quyền cấp xã mới chính thức hoạt động.

Nghị quyết được thực hiện dựa trên cơ sở Đề án số 379 của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Nai (mới) năm 2025.

Theo Quyết định quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn năm 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2023, của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai định hướng phát triển bền vững, tận dụng lợi thế Cảng hàng không Long Thành, sông Đồng Nai để thu hút đầu tư chọn lọc vào công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics, giáo dục, du lịch.

Tỉnh đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với kinh tế xanh, kinh tế số; phát triển hạ tầng thông minh, đô thị TOD; bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên; nâng cao chất lượng sống, thu hút nhân tài; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc...

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản triển khai thí điểm mô hình "Điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến", từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay.

Mô hình này nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công. Được biết, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Bưu điện tỉnh và các nhà mạng để triển khai.

Các đơn vị liên quan sẽ tổ chức tập huấn, truyền thông và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Bưu điện tỉnh và các nhà mạng sẽ bố trí cơ sở vật chất và thiết bị tại 25 điểm thí điểm trên toàn tỉnh, với 14 danh mục thủ tục hành chính được hỗ trợ.