Phương thức tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm
(Dân trí) - Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) bổ sung một chương quy định vị trí việc làm của công chức, trong đó quy định rõ việc tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm.
Trong tờ trình Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ nhấn mạnh thực trạng đội ngũ công chức hiện nay với nhiều tồn tại như: Tình trạng né tránh, đùn đẩy, không dám nghĩ, dám làm; tâm lý đã vào nhà nước là an toàn, "tình trạng công chức suốt đời", cơ chế đào thải không đủ mạnh…
Theo Bộ Nội vụ, tình trạng trên xuất phát từ việc thiếu cơ chế cạnh tranh, sàng lọc trong đội ngũ, cơ chế, phương thức đánh giá, xếp loại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Từ thực trạng trên, cơ quan soạn thảo Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đã bổ sung thêm một nội dung mới, rất quan trọng là Chương 3 quy định về vị trí việc làm (từ Điều 11 đến Điều 14).
Theo Bộ Nội vụ, quan điểm khi xây dựng nội dung này là để thực hiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm trung tâm trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức.
Từ đó, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, công chức theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được.
Tại Khoản 2 Điều 1, Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) nêu rõ: "Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng theo vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước".
Điều 12 Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) quy định chi tiết 4 căn cứ để xác định vị trí việc làm tại các đơn vị.

4 căn cứ để xác định vị trí việc làm tại các đơn vị (Ảnh: Gia Bảo; Đồ họa: Tùng Nguyên).
Từ các căn cứ trên, các đơn vị xác định vị trí việc làm của cơ quan; tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm.
Cơ quan, tổ chức quản lý công chức ban hành quy định về phương thức, nội dung kiểm tra; tổ chức sát hạch, đánh giá công chức để bố trí, sắp xếp vào vị trí việc làm phù hợp với năng lực, trình độ theo vị trí việc làm.
Đặc biệt, Điều 23 Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) quy định rõ phương thức tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm.

3 phương thức tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm (Ảnh: Gia Bảo; Đồ họa: Tùng Nguyên).
Theo Bộ Nội vụ, Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) bổ sung quy định phân định các vị trí việc làm phải thực hiện tuyển dụng và các vị trí việc làm có thể được phép ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức, tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực từ bên ngoài.
Đồng thời, Dự án Luật còn bổ sung quy định về sát hạch để thực hiện cơ chế sàng lọc đội ngũ theo nguyên tắc cạnh tranh, "có vào, có ra, có lên, có xuống" để giải quyết tình trạng né tránh, đùn đẩy, chây ì; bảo đảm xây dựng đội ngũ tinh thông, chất lượng, đủ đức, đủ tài để phục vụ đảng, đất nước và nhân dân.
Dự án Luật Cán bộ, công chức sửa đổi do Bộ Nội vụ soạn thảo sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây.